di tích lịch sử- lễ hội

Văn chỉ Bát Tràng
Ngày đăng 16/04/2015 | 00:00

Nằm trên bờ sông Hồng, Bát Tràng là một làng cổ nổi tiếng với nghề gốm sứ truyền thống. Trên mảnh đất cổ này, ngoài nghề gốm sứ, Bát Tràng còn có nhiều địa chỉ văn hoá thu hút khách du lịch khắp nơi, đó là những di tích lịch sử nổi tiếng. Văn chỉ Bát Tràng, nơi thờ Khổng Tử và các bậc tiên hiền của vùng đất cổ này cũng là một trong những địa chỉ văn hoá đó.

Phân tích ý nghĩa từ ngữ thì văn là vẻ đẹp, lời văn, có học vấn, lễ phép; miếu là đền thờ, nơi thờ; chỉ là cái nền đất. Văn miếu hay Văn chỉ đều có nghĩa là nơi thờ phụng và tế lễ Đức Khổng Tử, vì Đức Khổng Tử được xem là ông tổ của văn chương Nho học. Văn miếu là đền thờ Đức Khổng Tử tại kinh đô hay tại các tỉnh thành, được xây dựng với quy mô lớn. Văn chỉ là đền thờ Đức Khổng Tử và các vị đại khoa tại các làng, xã hay quận, huyện... Văn chỉ Bát Tràng có nghĩa là nơi thờ các bậc đại khoa tiên nho, tiên hiền của làng Bát Tràng.
Sở dĩ gọi là Văn từ Bát Tràng hoặc Văn chỉ Bát Tràng vì ban đầu, hậu cung từng được xây dựng thành những nếp nhà với mái lợp đầy đủ theo mô thức một Văn từ. Trải qua thời gian, binh lửa, nếp nhà này đã bị phá huỷ, chỉ còn lại nền đất, nghĩa là thờ lộ thiên theo mô hình một Văn chỉ. Năm 1994, di tích được trùng tu sửa chữa, trở lại với mô hình một Văn từ. Vì vậy, hai cách gọi Văn từ Bát Tràng hay Văn chỉ Bát Tràng đều có thể chấp nhận được.
Cả nước ta từ khoa thi đầu tiên thời Lý (1075) cho đến khoa thi hội cuối cùng dưới triều vua Khải Định (1919) kết thúc chế độ khoa cử Nho học có 2.898 người đỗ đại khoa trong đó có 56 vị trạng nguyên. Đất Thăng Long có sáu vị, thì huyện Gia Lâm có hai vị, đó là Trạng nguyên Giáp Hải (1507-1586) quê gốc ở Bát Tràng và Trạng nguyên Đặng Công Chất (1622-1683) quê ở Phù Đổng. Riêng làng Bát Tràng có 364 vị đỗ đạt khoa bảng. Hiện nay tại Văn chỉ Bát Tràng còn lưu danh được 291 vị tiên nho, tiên hiền mà nổi bật là chín vị đỗ tiến sĩ đến trạng nguyên và nhiều quận công, mà nay tên tuổi được trân trọng ghi ở "vườn Bãi Đá" tại Văn Miếu (Hà Nội, Huế, Bắc Ninh).
Trạng nguyên Giáp Hải (1506-1585) là người mở đầu danh mục đại khoa của Bát Tràng. Ông còn có tên là Giáp Trưng, hiệu là Nội Trai, sinh ra ở quê mẹ, làng Công Luận (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Cha đẻ là người làng Bát Tràng. Sau ông bị bắt làm con nuôi trên Dĩnh Kế, huyện Phương Nhãn (nay thuộc Dĩnh Kế - tỉnh Bắc Giang), nên các tài liệu Đăng khoa lục ghi ông là người xã Dĩnh Kế. Tuy ghi như vậy nhưng thực ra ông là người của đất Thăng Long - Hà Nội. Từ xa xưa đến nay, Văn chỉ Bát Tràng vẫn thờ ông và các Tiến sĩ người làng.
Giáp Hải đậu Trạng nguyên khoa thi năm Mậu Tuất niên hiệu Đại Chính thứ 9 (năm 1528) đời Mạc Đăng Doanh, năm đó ông 31 tuổi. Là người giỏi văn học, có tài bang giao, từng đi sứ nhà Minh. Ông giữ chức Thượng thư Bộ Lại, trông coi công việc của Lục bộ kiêm Đông các Đại học sĩ, Nhập thị kinh viên, Thái bảo. Ông được phong tước Sách Quốc công và về trí sĩ năm 1585, thọ 79 tuổi. Mạc Mậu Hợp thương tiếc, ban cho ông bức chướng thêu dòng chữ:
Phiên âm: "Trạng nguyên, Tể tướng Đẩu Nam tuần
Quốc lão đế sư thiên hạ tri"
Nghĩa là:
Trạng nguyên, Tể tướng danh cao như sao Bắc Đẩu cõi trời Nam,
Bậc quốc lão ở kinh sư được cả nước biết đến.
Ông để lại nhiều thư từ, biểu văn bang giao và nhiều áng thơ văn như ng đáp bang giao gồm 19 quyển chép các thư từ và biểu văn về việc bang giao.
Văn chỉ Bát Tràng là một di tích có niên đại xây dựng sớm, trải qua thời gian, tháng năm và binh hoả, di tích hiện nay đã được trùng tu sửa chữa, khôi phục được dáng vẻ ban đầu. Văn chỉ Bát Tràng được xây dựng trên một khu đất giữa làng Bát Tràng, phía sau đình làng Bát Tràng. Di tích bao gồm các hạng mục kiến trúc như: nghi môn và kiến trúc chính kết cấu kiểu chữ "Nhị".
Các kiến trúc của di tích và di vật còn lại không nhiều. Di vật mang giá trị đặc sắc nhất của Văn chỉ Bát Tràng hiện nay chính là tấm bia công đức để ở sân Văn chỉ. Bia công đức được đặt trên lưng một con rùa cũng làm bằng đá, giống như nhiều tấm bia dựng ở các văn miếu và văn chỉ khác. Bia dẹt, trán tạo cong hình bán nguyệt, xung quanh tạo gờ nổi, không trang trí, không khắc chữ.
Tuy nhiên, bia ở đây không khắc chữ, vì theo quan điểm của người dân làng Bát Tràng, bia dựng ở đây là bia ghi công đức, nhưng đã công đức thì không cần phải ghi danh, nếu ghi danh thì cũng không khác gì kể công với mọi người. Vì vậy, bia đá ở đây có mục đích ghi công đức, để trơn, không khắc chữ, không phải vì thời gian mà bia đá mòn không còn chữ nữa. Và cùng với thời gian, với ý niệm trường tồn của hình ảnh rùa đội bia mà công đức của người dân cũng sẽ bất diệt.
Giá trị chính của Văn chỉ Bát Tràng tập trung qua nội dung thờ tự của di tích. Bát Tràng là vùng đất "địa linh nhân kiệt", người dân làng Bát Tràng vẫn luôn tự hào về truyền thống hiếu học và truyền thống tôn sư trọng đạo của mình.
Bát Tràng là nơi địa linh sinh cho đời những hiền nhân làm rạng danh quê hương, đất nước, lưu tiếng thơm muôn thuở. Bát Tràng là làng cổ, nhà ngói san sát, ngõ hẹp quanh co, những lò gốm chen nhau, tường nhà nào cũng treo than đốt lò, con người chăm chỉ từ mờ sớm đến trăng lên. Vậy mà ở chính làng quê quanh năm vất vả ấy, chỉ kể từ khi rời vùng quê Bồ Bát, trấn Thanh Hoa (nay là Yên Mô, Ninh Bình) ra vùng mom sông có những gò đất trắng tả ngạn sông Nhĩ Hà này lập thành làng Bát Tràng, định cư từ cuối đời nhà Trần, theo sách chép lại đã có trên ba trăm hiền nho khoa cử. Chỉ một làng quê cho đến cuối thiên niên kỷ thứ hai mới có trên dưới bảy trăm hộ cũng sinh ra một trạng nguyên, tám tiến sĩ, năm sáu giải nguyên, hai quận công, chỉ một dòng họ Lê đã có tới chín đại thần trong triều. Đôi câu đối chép trên cột trụ trước của đình làng, là niềm kiêu hãnh của mỗi người dân Bát Tràng từ đời này sang đời khác.
Tại một làng quê giàu truyền thống văn hoá, nơi sinh ra những tiên nho, tiên hiền, việc tôn thờ Khổng Tử và những danh nhân khoa bảng của làng ở Văn từ, văn chỉ là niềm tự hào, là nguồn động viên khuyến khích các thế hệ con cháu đời sau noi gương. Chính vì vậy, hàng năm ở đây đã tổ chức lễ Khuyến học cho thế hệ trẻ của làng. Theo những người cung cấp tư liệu thuộc Tiểu ban quản lý di tích Văn từ (văn chỉ) Bát Tràng thì lễ Khuyến học ở đây còn ra đời trước khi Chính phủ có chương trình Khuyến học. Điều đó càng chứng tỏ một sự đề cao học tập, khuyến khích học tập và càng tôn thêm giá trị của di tích.
Văn từ (văn chỉ) Bát Tràng nằm trên một vùng đất cổ với làng nghề truyền thống nổi tiếng, các di tích đình - đền cổ kính Với ý nghĩa tự có của hai chữ "Văn từ", "văn chỉ", sự hiện diện của Văn từ Bát Tràng càng làm tăng lên giá trị của một làng cổ ven đô. Đó là một trong những điểm thu hút sự hiếu kỳ của khách du lịch muốn tham quan, tìm hiểu rõ về làng cổ Bát Tràng. Trong quá trình chuẩn bị tiến tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, sự tồn tại của Văn từ (văn chỉ) Bát Tràng cùng với các kiến trúc xưa của làng cổ ven đô Bát Tràng là một trong những đóng góp không nhỏ cho tên tuổi mảnh đất 1000 Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.