di tích lịch sử- lễ hội

Nghè Keo
Ngày đăng 20/04/2015 | 00:00

Nghè Keo (còn gọi là đền) là tên gọi theo địa danh làng cổ hay còn gọi là Nghè Giao Tất thuộc xã Kim Sơn.

Truyền thuyết dân gian kể lại rằng: Tổ sinh ra thượng tướng quân họ Đào, tên húy là Bột quê ở Thanh Hóa. Nhà nghèo nên vừa đi đó đây kiếm sống vừa tranh thủ học chữ. Ông lấy bà họ Nguyễn tên là Lương, rồi ở lại quê vợ ở thôn Giao Tất (tên nôm gọi là làng Keo). Nhà họ Nguyễn sớm hôm chuyên cần việc dâu tằm, tơ kén. Cô Lương đẹp nết, đẹp người, khéo tay hay làm và hát giỏi. Đào Bột được vợ chăm lo ăn học và trở thành thầy giáo trong vùng Dâu – Keo.
Vợ chồng Đào Bột lấy việc tu nhân tích đức làm gốc, thường giúp kẻ hoạn nạn khó khăn. Đào Bột dạy học ngày càng nhiều học trò và nhiều người đỗ đạt cao. Tiếng thơm bay ra khỏi vùng, đến tai vua Lý, nhà vua phong làm Bộ trưởng đạo Sơn nam. Ông bà sinh được một con trai, đặt tên là Phúc. Đào Phúc khôi ngô tuấn tú, thông minh, học một biết mười, là người văn võ song toàn, tài cao chí lớn, trai tài khắp vùng thán phục. Sau khi đi thi, Đào Phúc đỗ tiến sĩ, được vua khen là trang tuấn kiệt và gả con gái là Tiên Anh công chúa cho.
Vào cuối đời Lý, có giặc đến xâm lược, Đào Phúc được vua phong làm phò mã, giữ chức thượng tướng quân đem hùng binh đi dẹp, Tiên Anh phu nhân xin vua giao cho lo việc lương thảo giúp chồng sớm trừ đạo giặc ngoài biển cả xa xôi. Từ đầu xuân đến lập hạ, giặc biển đã sạch hết. Thượng tướng quân Đào Phúc cùng quân sĩ trở lại kinh sư báo tiệp.
Về đến quê mẹ giữa mùa mưa to gió lớn, tướng quân gặp lại Tiên Anh và cùng thăm bái tổ đường ở Giao Tất. Hôm ấy là ngày mùng 7 tháng 4, trời đất chuyển vần, sấm sét nổi lên, không gian chìm trong bể nước mênh mông Cả hai ông bà cùng hóa và sau đó mối xông lên phong kín thành mộ lớn, từ đó dân gọi là "Núi Bi". Biết tin, nhân dân trong vùng vô cùng thương tiếc ông bà, làng Giao Tất cử người lên tâu với vua, quan kinh được sai về xem xét, rồi cho lệnh địa phương lập đền, tạc tượng truyền thần để thờ.
Nghè (Đền) Keo hay còn gọi là Nghè Giao Tất, thuộc xã Kim Sơn được dựng từ đó để thờ ông bà Đào Phúc, Tiên Anh.
Trong một số bài văn tế được sao chép truyền từ đời Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa 16 (1705) nêu khá rõ nét về công lao dẹp giặc giữ nước của hai ông bà cùng những sắc phong, câu đối:
Trong ba đạo sắc còn lại phong cho ông bà năm Minh Mệnh thứ 12 sắc 1831 đã ghi rõ: "Giao Tất Giao Tự cùng thờ phụng". Sắc còn ghi các mỹ tự "Dực bảo Trung Hưng, bảo ngã lê dân, lẫm trứ linh ứngthượng đẳng thần".
Các câu đối:
Tả Lý trùng hưng thùy vĩ liệt
Dực Trần hữu mộng trấn linh thanh
Dịch nghĩa: Giúp Lý trùng hưng lưu công tích
Phò Trần báo mộng tỏ uy linh)
Lịch đại vinh phong thượng thượng đẳng
Vạn cổ cao tiêu hách hách danh
Dịch nghĩa: Các đời phong tặng thần thượng đẳng
Muôn thuở nêu các tiếng linh thiêng)
Những câu đối trên do cụ Thiếu bảo quận công họ Đỗ người Giao Tất để lại bút tích - đây là nhân vật thứ hai được thờ phụng tại Nghè được phong là Hậu thần.
Trong bài về một làng quê cổ của nhà Hà Nội học Nguyễn Vĩnh Phúc đã nói tới ông Thiếu bảo quận công họ Đỗ đất làng Keo, người đã từng giúp nhà Lý và được phong tặng tới Thượng tướng quân. Xem lại lời văn ghi trong tấm bia hậu ghi về đền Giao Tất đã có đoạn viết về nhân vật có công này với làng xãm, với đất nước.
Đỗ tướng công tên tự là Như Triều, thuỵ là Mẫn Đạt, vốn là trọng thần của nước Nam, lại là danh tướng ở phương Bắc. Thấy đình chùa ở hai làng Giao Tất, Giao Tự đổ nát ngài thấy canh cánh bên lòng.
Năm ất Tỵ, ngài đã bỏ tiền của ra xây dựng chùa làng ba gian hai chái. Năm Đinh Mùi lại cho xây toà thượng điện, tiền đường, hậu đường, hành lang, hai bên tả hữu, tam quan chùa. Năm Bính Thìn ngài lại cho hai làng 200 quan tiền cổ, 2 nén bạc, 6 mẫu ruộng phúc đức, chia cho 10 giáp nhận cấy cầy để lo việc thờ cóng.
Với công đức của Quận công, nhân dân hai làng đã tôn bầu ngài làm Hậu thần thờ phụng đời đời. Hàng năm đến tháng 3 làm lễ vào đám, ngày mùng 10 thôn trưởng hai làng mang một khay trầu cau đến cáo yết ở Từ vũ, ngày 20 hai làng rước thánh vị vào cung. Hiện lăng mộ của Đỗ Công còn được táng ở phía đông nghè Giao Tất. Hàng năm dân hai làng vẫn cáo lễ đầy đủ như lệ xưa đã định và vô cùng biết ơn cụ Đỗ Công
Bên cạnh đó, đền (nghè) Keo còn thờ tổ của nghề ca trù, là ông Đinh Dự và bà Mãn Đường Hoa. Lễ hội hàng năm thường tổ chức vào các ngày mùng 6 tháng 4 âm lịch (chính lễ), ngày hóa 13 tháng 11 là ngày chính và kiêng chữ húy là Lỗ Châu, Dự và Hoa. Vào những ngày này nhân dân các nơi lập giáo phường đều mở hội hát ca trù tưởng nhớ công ơn của tổ nghề mình.
Nghè (Đền) Giao Tất từ ngoài vào di tích bao gồm các hạng mục: Tam quan, sân, miếu thờ, tiền đường, hậu cung.
Qua tam quan dẫn vào sân đền, sân được lát gạch chạy thẳng tới cửa đền chính.
Ngay bên phải cổng tam quan là một miếu nhỏ, miếu được dựng cùng với hai trụ biểu, mái lợp ngói ta, miếu khá đặc biệt bởi toàn bộ quanh miếu là những cành, rễ của cây đa cổ thụ, tạo ra cho miếu sự cổ kính và thần bí.
Tiền đường là một dãy nhà ngang năm gian được xây trên nền cao 30cm so với mặt sân, xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói mũi hài cổ, bờ nóc đắp hai rồng chầu mặt trời. Phía trước của hai tường hồi được xây vươn rộng ra khỏi hiên chừng 1m. Ngoài cùng xây cột trụ biểu cao ngang nóc mái, trụ có mặt cắt ngang hình vuông, thân trụ đắp gờ hình câu đối, phía trên là lồng đèn và đỉnh trụ là hai con nghê quay mặt vào nhau.
Hiên đền không dựng cột mà được xây trụ, hai gian hồi xây kín chỉ để lỗ hoa, ba gian giữa để cửa ra vào hình chữ nhật, cánh cửa bằng gỗ.
Lòng nhà tiền đường được chia làm năm gian bốn hàng chân. Bộ khung nhà có kết cấu đơn giản lối giá chiêng, hạ kẻ, đấu kê, hai bộ vì gian hồi làm theo kiểu chồng rường hạ kẻ cột chốn. Các quá giang hoành, xà được bào trơn, bào soi. Hai bức cốn gian giữa phía trong được chạm nổi hình long, ly, quy, phượng.
Nền nhà lát gạch vuông đỏ sẫm, gian giữa tôn cao 20cm làm nơi hành lễ và đặt ban thờ, trên cao treo bức đại tự "Tối linh từ" (đền rất thiêng). Hai hồi đặt hai bệ thờ với những đồ thờ tự.
Nối nhà tiền đường với hậu cung là nhà nối dạng phương đình được xây thẳng với hai gian giữa nhà hậu cung và tiền đường với kiểu hai tầng tám mái, bốn góc đao cong, mái lợp ngói mũi hài cổ. Giữa mái thượng và mái hạ là hàng chấn song con tiện bằng gỗ, tạo cho không gian bên trong thoáng mát, với ba bộ vì được làm theo kiểu chồng rường giá chiêng cột chốn, các cột được đặt trên bốn trụ xây vuông đỡ toàn bộ khung nhà.
Các đầu kẻ bên được ăn mộng khít vào cột hiên của nhà tiền đường và trụ gạch của tòa hậu ở phía sau.
Hậu cung với ba gian xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Hai đầu hồi xây hai trụ biểu, thân trụ vuông, trên mặt trụ còng đắp nổi chữ Hán bằng vôi vữa, đỉnh trụ đắp hình trái giành, dưới đỉnh trụ đắp hình lồng đèn. Hai bên đầu hồi hậu cung đắp hổ phù, sóng nước, bờ nóc trang trí hoa chanh, giữa đặt biển gắn hai chữ Hán nổi "Linh từ" (đền linh thiêng), hai đầu bờ nóc đắp hai con kìm.
Nền nhà hậu cung được xây trên nền cao 30cm so với mặt sân, được lát bằng gạch bát cổ. Lòng nhà chia làm ba gian không đều nhau, gian giữa rộng hơn hai gian bên, ở mỗi gian được làm những cánh cửa lớn hình chữ nhật. Hậu cung với hai bộ vì làm theo kiểu chồng rường giá chiêng. Hai hồi của hiên nhà hậu cung đặt hai pho tượng ông khuyến thiện và ông trừng ác.
Hậu cung gồm 3 bệ thờ: Bệ thờ gian chính giữa được xây nhiều lớp, cao dần, là nơi đặt các tượng cùng những đồ thờ tự. Từ ngoài vào là lớp tượng phỗng quỳ, tượng Kim đồng, Ngọc nữ, trên cao nhất là nơi tọa lạc của hai vị thần hoàng Đào Phúc – Tiên Anh công chúa cùng với long ngai bài vị; Bệ thờ gian bên trái là ban thờ ông bà Đinh Dự và Mãn Đường Hoa – tổ nghề ca trù. Bệ thờ gian bên phải thờ Mẫu và các quan.
Tượng nghè Keo được tạo tác không nhiều, song những tượng ở đây đều có những ý nghĩa riêng, mỗi tượng một vẻ tự nhiên đầy chất nghệ thuật.
Ngoài cùng của bệ thờ gian giữa là hai tượng phỗng quỳ cao gần 1m, quỳ gập hai chân ra phía sau, mặc váy ngắn cởi trần, vòng tay cung kính trước ngực, nét mặt tươi như đang cười trông rất ngộ nghĩnh. Những tượng phỗng này có niên đại ở cuối thế kỷ XVIII. Đây là nét độc đáo riêng của di tích, để lý giải sự xuất hiện của tượng phỗng có thể thấy rằng trước đây vào thời Lý, khi đi đánh Chiêm Thành về, triều đình nhà Lý thường phân phát các tù binh không có nghề nghiệp cho các quan lại và các đền chùa để làm nô lệ hoặc canh nô. Nên vào thế kỷ XVII, XVIII, XIX người ta tạc nhiều tượng phỗng bằng gỗ và đá ở các đình chùa.
Tiếp sau hai tượng phỗng là tượng Kim đồng – Ngọc nữ ở dạng đứng chắp hai tay trước ngực. Hai tượng mặc áo tứ thân dài, cổ đeo vòng kiềm, thắt hầu bao.
Trên bệ sát hậu cung, nơi cao nhất là vị trí của hai tượng thần hoàng làng. Đức Thánh ông và Thánh bà mà dân địa phương thường gọi, đó là thượng tướng quân Đào Phúc. Tượng ngồi trên bệ gỗ, cao 1m80, đội mũ cánh chuồn với những hình rồng, mây, mặt trời… mặt tượng vuông tai to dáng dấp oai phong của một võ tướng. Tương Bà Tiên Anh công chúa ngồi sánh ngang chồng, nét mặt trái xoan thanh tú, cổ cao ba ngấn, mặt nhìn đầy từ bi, thuần hậu.
ở gian thờ bên đặt một bức phù điêu lớn tạc hai ông tổ nghề ca trù của làng Keo xưa. Hình ông Đinh Dự và bà Mãn Đường Hoa được tạc trên nền mầu của phù điêu. Cả hai ông bà ngồi sóng đôi, áo phủ kín, khoanh chân, hai tay đặt trong lòng đùi, nét mặt trang nghiêm song đầy nhân hậu.
Tồn tại cho tới ngày nay, di tích Nghè (đền) Giao Tất còn bảo lưu được khá nhiều di vật văn hóa có giá trị trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Một cuốn ngọc phả về tổ của nghề ca trù (với sự tích ông bà Đinh Dự và Mãn Đường Hoa) được soạn năm Hồng Đức 7 (1476), đây là tài liệu có giá trị nghiên cứu nghề dân gian cổ truyền trong văn học dân gian.
Những bài văn tế, những sắc phong về hai thần hoàng làng Đào Phúc và Tiên Anh. Trong đó có sắc ghi kỹ và có giá trị về mặt đánh giá công lao của ông bà.
Bia đá về ông Đỗ Công, người có nhiều công với đất nước, là quan đại thần từ thời Lý, giúp cả triều Trần và lại là Hậu thần của làng Keo, người có công xây dựng đền chùa của làng xã.
Và các di vật như : 1 long ngai bài vị thế kỷ XIX; 1 khám thờ được chạm thủng, chạm nổi đề tài rồng mây, hổ phù, sóng nước sơn son thếp vàng (thế kỷ XIX); 1 cỗ long mã trên xe gỗ; 1 bộ bát bửu, 8 pho tượng gỗ sơn son thếp vàng; 5 câu đối gỗ; 1 bức đại tự.
Di tích nghè Keo đã được Bộ Văn hoá -Thông tin ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật theo quyết định số 774-QĐ/BT ngày 21 tháng 6 năm 1993.