di tích lịch sử- lễ hội

Chùa Linh Quy
Publish date 20/04/2015 | 00:00

Chùa Linh Quy toạ lạc trên một khu đất cao ráo, thoáng mát cạnh con đường liên xã. Vẻ đẹp của ngôi chùa thể hiện qua sự kết hợp hài hoà và ăn nhập với môi trường và cảnh quan thiên nhiên bao quanh

Chùa Linh Quy thuộc thôn Linh Quy Bắc, xã Kim Sơn huyện Gia Lâm, Hà Nội. Từ xưa đến nay ngoài tên gọi là chùa Linh Quy, chùa còn có tên chữ là Hoa Nghiêm Tự. Căn cứ vào những kiến trúc và di vật còn lại (tượng tròn) thì ta có thể thấy chùa có thể được dựng vào thời Lê.
Được dựng từ sớm lại trải qua một lần di chuyển địa điểm cùng với thời gian trong kháng chiến chống Pháp, chùa bị đốt tam quan - gác chuông nên chùa Linh Quy đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo để có kiểu dáng như hiện tại.
Kiến trúc của di tích bao gồm tam quan, tiền đường, chùa chính.
Tiền đường mới dựng gồm năm gian hai dĩ, mái lợp ngói tây, kết cấu vì kèo, nền lát xi măng.
Chùa chính là bộ phận kiến trúc gốc cũ của di tích. Đây là một nếp nhà gồm ba gian hai dĩ, xung quanh có hành lang bao với những cột xây hình vuông. Từ hai bên phải trái nhìn vào mái chùa người ta tưởng chùa có nhiều nếp nhà song thực ra chùa chỉ có một nếp nhà chạy dọc, còn hai lớp mái chạy ngang chỉ là mái giả làm theo kiểu "thượng hư hạ thực".
Qua bộ cửa bức bàn với cửa giữa thấp, hai cửa bên cao chúng ta bước vào chùa chính. Nền chùa lát xi măng, kiến trúc kết cấu kiểu vì chồng rường giá chiêng. Các cột gỗ đỡ bộ vì có đường kính khoảng 30 cm. Giữa chùa chính có xây bệ để dặt tượng phật, hai bên có xây các bệ khác nhỏ hơn.
Giá trị nghệ thuật tạo tác các pho tượng tròn là giá trị nghệ thuật nổi bật của chùa Linh Quy bên cạnh giá trị về mặt kiến trúc. Bộ tượng Tam Thế gồm ba pho tượng đặt trên bệ xây cao gần sát mái. Kích thước của pho tượng không lớn lắm, từ đỉnh đến phần bệ cao khoảng 80 cm. Cả ba pho đều ngồi trên đài sen, tóc bụt ốc, mình khoác sa bào, tay kết ấn để trên lòng đùi. Nét mặt của ba pho tượng đều mang dáng dấp gần gũi với đời thường, mắt tượng nhìn xuống, mũi thẳng, miệng mím, tai chảy dài.
Tượng A Di Đà là pho tượng có kích thước lớn nhất của ngôi chùa. Tượng ngồi thiền định trên đài sen, tay kết ấn để trên lòng đùi. Tượng khoác áo sa bào nếp áo chảy dài uốn cong mềm mại phía trước ngực, ở phía trên khắc chữ "vạn", phía dưới kết mép xoắn, ở giữa tóc bụt ốc tai chảy dài, cổ cao ba ngấn, mắt nhìn xuống, nét mặt đôn hậu. Đài sen gồm ba lớp cánh mập, giữa cánh có chạm hoa văn. Đài sen này được chạm công phu, cầu kỳ làm nổi bật pho tượng ngồi ở phía trên.
Tượng Quan Âm nhiều tay được đặt ở phía bên phải của pho tượng A Di Đà. Tượng mang phong cách và dáng dấp như của tượng Quan Âm ở nhiều chùa khác. Toàn bộ tượng được làm bằng gỗ mít và được phủ bằng một lớp sơn son thiếp vàng. Tượng ngồi thiền định trên đài sen, một lớp tay toả đều sang hai bên ở những tư thế khác nhau làm cho pho tượng trở nên sống động. Đôi tay chính chắp trước ngực, ngón tay chạm vào cằm, bốn đôi tay uốn cong ở vào những tư thế khác nhau để biểu thị quyền năng của phật pháp. Đài sen gồm ba lớp cánh, phía dưới cánh to phía trên cánh nhỏ và để trơn không chạm.
Tượng Ngọc hoàng ngồi bên trái của tượng A Di Đà trên một ngai gỗ, đầu đội mũ bình thiên có dải kim tòng, hai tay lồng cao vào nhau để trước ngực, chân đi hài, mình mặc áo bào.
Toà Cửu long và tượng Thích Ca Sơ Sinh là một bộ tượng đẹp có giá trị của chùa. Tượng có kích thước vừa phải, toà Cửu Long được chạm khắc kỹ đến từng chi tiết, xung quanh chạm chín con rồng ở nhiều tư thế uốn lượn khác nhau. Các pho tượng phật ở tư thế đứng và ngồi trên đài sen lẫn vào trong các đám mây, toàn bộ vành Cửu long bao trùm lấy tượng Thích Ca Sơ Sinh tay trái chỉ lên trời, tay phải chỉ xuống đất.
Ngoài các pho tượng trên, chùa Linh Quy còn có các pho tượng khác như tượng Văn Thù cưỡi voi trắng, tượng Quan âm Thị Kính, tượng Thổ Địa….Đặc biệt phải kể đến một pho tượng Hậu được tạc bằng đá xám dưới dạng một nam nhân.
Bên cạnh việc lưu giữ được nhiều pho tượng có kích cỡ và chất liệu khác nhau chùa Linh Quy còn có di vật khác như hoành phi, câu đối, cửa võng, bát hương, độc bình…cùng các đồ thờ tự phục vụ cho việc lễ phật hàng tháng hàng năm.
Chùa Linh Quy là trung tâm tín ngưỡng của cộng đồng cư dân làng xã. Ngoài vai trò bảo lưu những truyền thống tốt đẹp của tín ngưỡng thờ phật được tồn tại từ bao đời nay chùa còn là nơi hướng con người tới chân – thiện - mĩ trong cuộc sống hiện tại và tương lai. Chùa được Bộ Văn hóa –Thông tin ra quyết định xếp hạng di tích nghệ thuật năm 1996.