các xã, thị trấn

Xã Đông Dư
Ngày đăng 02/04/2015 | 00:00  | View count: 15737

Đông Dư là xã nằm phía Tây Nam của huyện Gia Lâm; phía Bắc giáp cầu Thanh Trì, quận Long Biên; phía Nam giáp xã Bát Tràng; phía Đông giáp trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Thị trấn Trâu Quỳ; phía Tây giáp sông Hồng.

Xã Đông Dư có diện tích đất tự nhiên 353,6 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 210 ha với số dân 4.213 người sinh sống ở 3 thôn: thôn Hạ, thôn Thượng và thôn Thuận Phú, 3 thôn lại được chia thành 8 xóm theo số thứ tự.
Thời Gia Long-Đồng Khánh (1802-1820), Đông Dư là tên của một trong 10 tổng của huyện Gia Lâm (tổng của Đông Dư gồm 4 xã là Đông Dư, Bát Tràng, Đông Cao và Kim Lan). Từ năm 1947 các xã Bát Tràng, Giang Cao, Kim Lan sáp nhập thành xã Quang Vinh, thuộc tổng Đông Dư. Năm 1961 huyện Gia Lâm tách về Thủ đô Hà Nội, xã Đông Dư được trở về tên gọi cũ như ngày nay.
Nhân dân Đông Dư có truyền thống lao động cần cù và sáng tạo, nhất là thâm canh các loại rau màu nên từ những năm 70, Đông Dư đã sớm nổi tiếng với sản phẩm dưa cải bẹ "lá như lá cọ, bẹ như bẹ dừa". Nắm bắt nhu cầu sử dụng sản phẩm nông nghiệp an toàn ngày càng tăng và phát huy thế mạnh trồng rau gia vị, cây ăn quả của địa phương, xã đã chuyển gần hết diện tích trồng lúa sang trồng rau, củ, quả các loại, trong đó có trên 30 ha rau gia vị, trên 60 ha trồng ổi tứ mùa...Sản phẩm nông sản của Đông Dư đã được xuất khẩu sang Đức, CH Séc, Nga, Pháp… được cấp giấy chứng nhận thương hiệu rau, quả an toàn. Chính vì vậy, thu nhập bình quân trên một hecta canh tác rau an toàn của xã trên dưới 200 triệu đồng, ổi tứ mùa đạt 150 triệu trên một hecta, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, trồng ngô.
Đông Dư là xã chưa giàu của huyện Gia Lâm nhưng lại là xã có rất nhiều mô hình kinh tế hay được nhiều địa phương trong và ngoài huyện đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Điển hình như trang trại chăn nuôi gia súc tập trung, việc huy động nội lực nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng, bê tông hóa đường giao thông liên thôn, liên xã; Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa xuất khẩu; Mô hình làng sinh thái... Nhờ vậy, những năm gần đây đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.
Các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, thương mại trên địa bàn những năm gần đây phát triển khá sôi động đã góp phần tích cực vào việc giải quyết việc làm và thu nhập cho nhiều lao động nông thôn.
Nhờ từng bước thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cây trồng vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế trên địa bàn đạt tốc độ tăng trưởng khá. Năm 2011, bình quân thu nhập đầu người đạt trên 16 triệu đồng. Các công trình điện, đường, trường trạm của Đông Dư được xây dựng theo tiêu chí Nông thôn mới, trường Tiểu học, Trạm y tế đã đạt chuẩn Quốc gia.
Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc Đông Dư có 4 mẹ được truy tặng danh hiệu "Mẹ Việt Nam Anh hùng"; 83 thanh niên ưu tú đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc, trong đó có 14 liệt sĩ chống Pháp, 58 liệt sĩ chống Mỹ và 11 liệt sĩ tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhân dân Đông Dư được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba năm 1973 và Huân chương Lao động hạng Ba năm 2005.
Những kết quả trên là minh chứng sinh động cho sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng bộ, chính quyền xã Đông Dư coi phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Là nhân tố có ý nghĩa hết sức quan trọng trong sự nghiệp CNH-HĐH vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. /.

hệ thống chính trị