các xã, thị trấn

Xã Yên Viên
Ngày đăng 02/04/2015 | 00:00  | View count: 8462

Xã Yên Viên nằm phía Bắc Thủ đô Hà Nội, diện tích đất tự nhiên 361,2 ha, trong đó đất canh tác là 152 ha, dân số 13.250 người sinh sống tại 5 thôn là: Ái Mộ, Yên Viên, Lã Côi, Kim Quan Đông và Cống Thôn. Phía Đông giáp xã Ninh Hiệp, Dương Hà, phía tây giáp xã Mai Lâm (Đông Anh), phía Bắc giáp xã Yên Thường, phía Nam giáp phường Thượng Thanh, phường Đức Giang (Q.Long Biên).

Yên Viên có rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và thương mại. Những năm qua, xã Yên Viên đã có rất nhiều nỗ lực trong việc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và kêu gọi thu hút đầu tư, hướng tới một diện mạo mới đầy năng động trong tiến trình hội nhập.
Là một xã có hệ thống giao thông đường bộ, nối liền với các tỉnh lộ, quốc lộ tạo cho Yên Viên một vị thế địa lý quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội. Hằng năm, tổng thu nhập toàn xã đạt trên 190 tỷ đồng. Các ngành trong lĩnh vực kinh tế có sự tăng trưởng, phát triển đáng kể. Sản xuất nông nghiệp chuyển biến mạnh mẽ. Năng suất lúa đạt 50 tạ/ha, năng suất rau 36 tấn/ha, năng suất lạc 2,5 tấn/ha.
Không chỉ phát triển mạnh ở lĩnh vực Nông nghiệp, các ngành Tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ - thương mại cũng luôn được duy trì tốc độ tăng trưởng khá cả về số lượng và chất lượng. Các nhà máy, xí nghiệp đóng trên địa bàn hoạt động có hiệu quả, sản phẩm sản xuất đạt chất lượng tốt. Các nghề: cơ khí, chế biến lương thực thực phẩm, xay xát, sản xuất gạch, mộc dân dụng… phát triển mạnh, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng.
Song song với phát triển kinh tế, công tác xây dựng cơ bản được quan tâm đầu tư có chất lượng. Đảng ủy, chính quyền địa phương đã nỗ lực huy động mọi nguồn lực để củng cố mạng lưới giao thông trên địa bàn. Sự phát triển đồng đều trên cả 3 lĩnh vực: nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của xã. Kinh tế phát triển kéo theo những thay đổi tích cực trong đời sống văn hóa - xã hội của người dân trên địa bàn, tỷ lệ hộ giàu khá tăng nhanh, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,13%.
Với mục tiêu gắn phát triển kinh tế với đời sống văn hóa - xã hội, cấp ủy Đảng, chính quyền phối hợp với các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn có nhiều chủ trương thiết thực trong hoạt động văn hóa - xã hội. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì thường xuyên, sôi nổi, đều khắp trên địa bàn từ xã xuống cơ sở, các đoàn thể quần chúng, trường học, đóng góp nhiều tiết mục có chất lượng và đạt thành tích cao trong các hội thi do thành phố tổ chức.
Công tác giáo dục có nhiều khởi sắc: 4/4 trường nhiều năm đạt danh hiệu trường Tiên tiến xuất sắc cấp huyện, cấp Thành phố. Năm 2005, Trường Tiểu học Tiền Phong đạt chuẩn Quốc gia và là trường có chất lượng giáo dục tốt nhất của huyện Gia Lâm bậc tiểu học. Công tác dân số, gia đình và trẻ em có nhiều tiến bộ, tỷ lệ sinh giảm còn 16,67%o (năm 2010).
Yên Viên đã và đang đổi mới, không ngừng phát triển, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Đó là niềm tự hào của Đảng bộ và chính quyền nhân dân xã Yên Viên./.

hệ thống chính trị