ubnd các xã, thị trấn
Xã Đa Tốn
Publish date 02/04/2015 | 00:00
Xã Đa Tốn nằm ở phần đất phía đông nam của huyện, phía bắc giáp TT Trâu Quỳ và trường Đại học nông nghiệp Hà Nội, phía đông giáp xã Kiêu Kỵ, phía tây giáp xã Đông Dư và Bát Tràng, phía nam giáp 2 xã Cửu Cao và Phụng Công (thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên).
Năm 1831 huyện Gia lâm có 10 tổng, trong đó có tổng Đa Tốn. Tổng Đa Tốn bấy giờ gồm 9 xã là Đa tốn (gồm 2 thôn là Lê Xá và Ngọc Động), Kiêu Kỵ, Khoan Tế, Thượng Tốn (hay còn gọi là Thuận tốn ), Hạ Tốn, Giang Cao, Xuân Thụy, Gia Cốc và Đào Xuyên. Sau cách mạng tháng Tám, chính quyền xóa bỏ cấp tổng, các xã Đào Xuyên, Khoan Tế, Thuận Tốn lập thành xã Minh Tân; Lê Xá, Ngọc Động vẫn thuộc xã Đa Tốn. Năm 1947, 2 xã Minh Tân và Đa Tốn hợp nhất thành xã Đại Minh (mở rộng thêm 5 thôn của xã Kiêu Kỵ ngày nay là Kiêu Kỵ, Gia Cốc, Báo Đáp, Hoàng Xá, Chu Xá), sau đổi thành Đại Hưng. Sau cải cách ruộng đất tách ra làm 2 xã Đại Hưng (gồm Đào Xuyên, Lê xá, Ngọc Động, Thuận Tốn, khoan tế) và xã Tân Hưng (gồm Kiêu Kỵ, Gia Cốc, Báo Đáp, Hoàng Xá, Chu Xá). Năm 1966, xã Đại Hưng đổi tên là xã Đa Tốn ngày nay.
Xã Đa Tốn ngày nay có 5 thôn (thuộc 4 xã của tổng Đa Tốn cũ) là Khoan Tế, Thuận Tốn, Đào Xuyên, Lê Xá và Ngọc Động. Xã có tổng diện tích tự nhiên 716,04 ha, trong đó có 443 ha đất canh tác với trên 12 nghìn nhân khẩu và hơn 3000 hộ dân.
Đa Tốn vốn là vùng đất cổ nên hiện còn lưu nhiều dấu tích văn hóa Đông Sơn thời dựng nước của vua Hùng như thạp đồng, vũ khí, tiền cổ và các dụng cụ sinh hoạt bằng đồng chứng tỏ Đa Tốn là địa danh nằm trong vùng đất cổ có hoạt động của con người thời đầu Công Nguyên.
Hiện trên địa bàn còn lưu giữ nhiều di vật và di tích kiến trúc nghệ thuật đặc sắc thuộc thời Lê-Nguyễn. Điển hình là chùa Khoan Tế (có tên chữ là Cự Đà). Trong chùa có nhiều tượng Phật bằng gỗ sơn son thếp vàng, đẹp nhất là pho tượng phật bà Quan âm 24 tay, ngoài ra chùa còn giữ được một số bia chuông, khánh cổ.
Chùa Đào Xuyên (có tên chữ là Thánh Ân) - đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cấp bằng Di tích lịch sử. Hiện chùa còn nhiều di vật quý với kiến trúc đặc trưng của thời Nguyễn. Đặc biệt nhất là pho tượng Quan Thế âm được giới nghiên cứu nghệ thuật xếp vào hàng kiệt tác của nghệ thuật tạo tượng phật Việt Nam thế kỷ XVI.
Ở Ngọc động có đình và chùa Ngọc Động (còn gọi là chùa Linh Ứng). Đình Ngọc Động được xây dựng để thờ Ba danh tướng họ Đào - người đã có công giúp Hai bà Trưng đánh đuổi giặc Tô Định nhà Hán.
Ở Thuận Tốn có chùa Giấy và miếu thờ Thành Hoàng làng Thuận Tốn và Đào Xuyên.
Ở Lê xá có Nghè và Đình thờ Thành Hoàng Làng Đào Tam Lang- một trong Ba anh em họ Đào có công trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Xã Đa Tốn nằm trong vùng quê Kinh Bắc nên từ xa xưa đã nổi tiếng về tài chế biến các thực phẩm từ gạo, đỗ tương thành rượu ngon, tương ngọt.
Lịch sử cũng đã từng ghi nhận Đa Tốn là vùng đất hiếu học, Dưới thời Lê, Đa Tốn có 2 người đỗ tiến sỹ. Một người đã làm tới chức Giám sát ngự sử và một người làm quan đốc học.
Đa Tốn là nơi sớm tiếp thu ánh sáng của Đảng. Nơi đây từ những năm 40 của thế kỷ XX, nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng đã qua lại hoạt động được nhân dân bảo vệ và nuôi dưỡng tận tình. Nhân dân Đa Tốn đã kiên cường đấu tranh chống đế quốc và phong kiến góp phần vào thắng lợi của cách mạng tháng Tám lịch sử và 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược.
Miến bắc hòa bình, xây dựng CNXH và chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, cán bộ, đảng viên và nhân dân Đa Tốn đã phấn đấu không ngừng, nghỉ để sản xuất giỏi, chiến đấu tốt. Sản xuất lương thực thời kỳ này ở Đa tốn theo hướng " phát triển trồng trọt, chủ yếu là lúa, coi trọng hoa màu và cây đây; phát triển chăn nuôi, chủ yếu là lợn, gia cầm và nuôi cá". Thanh niên Đa Tốn thời kỳ này được lấy làm lực lượng nòng cốt trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thực hiện phong trào " ba sào, năm việc", đoàn thanh niên xã đi tiên phong trong việc làm bèo hoa dâu, lấy phân bùn để cải tạo ruộng xấu thành ruộng tốt. Thanh niên còn lập những đội xung phong chống mỹ cứu nước đi đầu trong mọi việc sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Bên cạnh đẩy mạnh trồng trọt, Đa Tốn còn phát triển cây đay, cây lấy thuốc, phát triển nghề thảm len, thuê ren xuất khẩu, rồi thành lập trung đội "Bach đầu quân", " đội sản xuất phụ lão" chuyên sản xuất cây thuốc nam, trồng cây lấy gỗ, cây ăn quả làm vườn gây quỹ…Với nhiều phong trào thi đua sản xuất điển hình Đa Tốn luôn là địa phương thiết lập những thành tích mới trong tăng vụ, tăng năng xuất cây trồng lập mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn bình quân toàn huyện sớm trở thành một điểm sáng về nông nghiệp nông thôn Thủ đô.
Với tinh thần " thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người" Đa Tốn vừa sản xuất giỏi chi viện nhiều sức của cho chiến trường, vừa động viên con em lên đường vào nam chiến đấu, vừa chủ động thành lập các trận địa trực chiến phối hợp với các đơn vị bạn bắn may bay Mỹ trên bầu trời Hà Nội, vừa làm tốt việc phá bom nổ chậm, cấp cứu, tải thương, v.v…góp phần vào chiến thắng chung trong cuộc kháng chiến chống Mý cứu nước của dân tộc.
Trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và bảo vệ đất nước, xã Đa tốn có 4 bà mẹ được tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng, có 153 người là liệt sỹ, có 11 gia đình được công nhận là gia đình có công với nước.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, Đa Tốn đã được Đảng và nhà nước tặng danh hiệu: Anh hùng LLVTND; Chủ nhiệm Lê Văn Bùi được tặng danh hiệu Anh hùng lao động.
Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, với tinh thần tiên phong, xã Đa Tốn lại đi đầu trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cây trồng trong sản xuất nông nghiệp. Xã thực hiện việc quy vùng sản xuất giống, vùng sản xuất rau an toàn, vùng trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Hiện tại toàn xã có hàng chục hộ thuê thầu và dồn điền đổi thửa thực hiện mô hình kinh tế trang trại. Các loại hình kinh doanh, dịch vụ, vận chuyển.v.v…ngày một phát triển góp phần tạo nhiều việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn. Năm 2011 tỏng thu nhập kinh tế toàn xã đạt gần 213 tỷ đồng, bình quân thu nhập đầu người đạt gần 17 triệu đồng/ năm.
Sự nghiệp y tế, văn hóa, giáo dục, DS/KHHGĐ ở Đa Tốn luôn đạt thành tích tốt đứng ở tốp đầu của huyện. Đặc biệt là công tác VHTT, TDTT liên tục đạt thành tích xuất sắc dẫn đầu toàn huyện.
Hiện tại Đảng bộ xã Đa Tốn hiện 341 đảng viên sinh hoạt tại 9 chi bộ.
Hàng năm phân loại, số đảng viên được xếp loại hoàn thành xấu sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt từ %, có từ 79%.đến 85%, và có từ 7 đến 9 chi bộ đạt TSVM. Đảng bộ liên tục giữ vững thành tích tổ chức cơ sở đảng TSVM.
Các đoàn thể nhân dân hoạt động xuất sắc, trong đó đoàn thanh niên, hội nông dân nhiều năm được suy tôn là đơn vị dẫn đầu toàn huyện.
Luôn đi đầu trong thực hiện đổi mới, nhiều năm được UBND thành phố tặng cờ đơn vị xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua của huyện nên năm 2010, xã Đa tốn đã được UBND Thành phố chọn làm điểm thực hiện Đề án xây dựng NTM giai đoạn 1 huyện Gia Lâm.
Với việc giúp đỡ hỗ trợ từ Thành phố, huyện cùng với phát huy nội lực, đến hết tháng 3/2012, xã Đa Tốn đã đạt 9/19 tiêu chí xây dựng NTM, 5 tiêu chí cơ bản đạt và 5 tiêu chí chưa đạt, Xã Đa Tốn mong muốn nhận được sự quan tâm của các cấp các ngành để hoàn thành đề án xây dựng NTM vào cuối năm 2013./.