ubnd các xã, thị trấn

Xã Dương Xá
Publish date 27/03/2015 | 00:00

Xã Dương Xá nằm trải dài 2 km từ Tây Bắc xuống Đông Nam song song với Quốc lộ 5. Phía Đông giáp xã Dương Quang, phía Tây giáp thị trấn Trâu Quỳ, phía Tây Nam giáp xã Kiêu Kỵ-Đa Tốn, phía Đông Nam giáp thị trấn Như Quỳnh (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), xã có đường liên tỉnh 179 chạy qua, có Quốc lộ 5 nối liền Hà Nội- Hải Phòng đã tạo cho Dương Xá có nhiều lợi thế trong phát triển Kinh tế-Xã hội, Quốc phòng-An ninh.

Xã Dương Xá có diện tích: 487,7 ha, trong đó 230 ha là đất nông nghiệp với dân số trên 12.200 người sinh sống tại 6 thôn (số liệu năm 2012): Yên Bình, Dương Đanh, Dương Đình, Dương Đá, Thuận Quang, Thuận Tiến và 3 cụm dân cư: Đường 5, Nội Thương và Chăn Nuôi.
Tên gọi của các làng Dương có từ lâu đời. Thuở đầu gọi còn gọi là ngõ, nằm trong trang Thổ Lỗi, Bắc Ninh. Trang Thổ Lỗi sau đổi thành hương Thổ Lỗi. Hương Thổ Lỗi sau được đổi thành hương Siêu Loại, thuộc lộ Bắc Giang vào năm 1066. Tới thời nhà Trần thì đổi thành Kinh Bắc. Và vào thời vua Lê Quang Thuận, triều đình đã lập ra phủ Thuận An gồm 5 huyện: Gia Lâm, Lang Tài, Gia Bình, Siêu Loại và Văn Giang. Như vậy, Dương Xá xưa đã từng là ly sở của huyện Siêu Loại và là sở của phủ Thuận An dưới thời nhà Lý.
Nói đến Dương Xá là nói đến vùng căn cứ địa cách mạng thời kỳ chống Pháp và có truyền thống yêu nước nồng nàn, qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Dương Xá có 176 liệt sĩ, 3 bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 3 cán bộ lão thành cách mạng và 8 cán bộ tiền khởi nghĩa; 54 thương bệnh binh và gần 20 trường hợp là nạn nhân da cam...
Bên cạnh việc luôn chủ động trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, những năm qua Dương Xá còn chủ động chuyển đổi kinh tế theo hướng hàng hóa với việc đưa trên 30 ha ruộng trũng kém hiệu quả chuyển sang nôi trồng thủy sản. Không những thế, Dương Xá còn chú trọng việc giữ gìn nghề truyền thống như nghề chế biến hành tỏi (thôn Thuận Quang), đậu phụ, làm bún (thôn Dương Đình)...Bởi vậy, kinh tế của xã ngày một phát triển, số hộ giàu khá ngày một tăng, số hộ nghèo ngày một giảm.
Sau hơn 20 năm đổi mới, Dương Xá được đánh giá là một địa phương luôn chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, luôn giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn. Trường Tiểu học đã đạt chuẩn vào năm 1997, trường THCS đạt chuẩn Quốc gia năm 2006. Các phong trào văn hóa- văn nghệ - thể dục thể thao được duy trì thường xuyên, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Là một xã nằm trong vùng đất cổ, có lịch sử trên dưới 3.000 năm Dương Xá hiện lưu giữ nhiều di sản văn hóa vô cùng quý báu như: Trống đồng cổ, đồ dùng sinh hoạt bằng đồng, bằng gốm có từ thời Hùng Vương. Đặc biệt, xã có nhiều di tích lịch sử từ cấp địa phương đến cấp quốc gia. Trong đó phải kể đến: Khu di tích đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan-Một công trình vừa mạng ý nghĩa lịch sử sâu sắc lại vừa mang giá trị nghệ thuật cao. Đền Nguyên phi Ỷ Lan không chỉ là nơi thờ phụng một danh nhân lịch sử văn hóa nổi tiếng của cả nước, mà còn là điểm di tích cách mạng đáng trân trọng của dân tộc.
Có thể khẳng định, bằng chính nội lực của mình người dân Dương Xá đã và đang viết tiếp truyền thống vẻ vang của địa phương, quyết tâm xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp văn minh theo hướng hiện đại./.