ubnd các xã, thị trấn

Xã Lệ Chi
Ngày đăng 20/03/2015 | 00:00

Xã Lệ Chi nằm ở bờ Nam sông Đuống cuối huyện về phía Đông nam. Phía tây bắc giáp với xã Kim Sơn, phía nam và đông nam giáp xã Xuân Lâm, Chí Quả, Đình Tổ thuộc huyện Thuận thành, tỉnh Bắc Ninh, tả ngạn sông Đuống về phía tây bắc giáp xã Trung màu, bắc giáp xã Tri Phương, thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Lệ Chi là vùng đất cổ có hàng nghìn năm lịch sử. Thế kỷ 18 có tên gọi là Tổng Cổ Biện, sau đó là Tổng Cổ Giang, thuộc huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Sau cách mạng tháng Tám gọi là khu Cổ Giang.
Năm 1947, dưới thời thực dân pháp chiếm đóng khu Cổ giang chia làm 2 xã là Hưng Thành và Trung Hà. Năm 1948 lại sát nhập 2 xã thành 1 lấy tên là xã Toàn Thắng. Ngày 31 tháng 5 năm 1961 theo QĐ của TTCP Gia Lâm nhập về Hà Nội, Toàn Thắng là 1 trong số 31 xã của huyện Gia Lâm. Tháng 2 năm 1965 Toàn Thắng đổi tên là Lệ Chi như ngày nay.
Xã Lệ Chi hiện có 6 thôn và một cụm dân cư là: Thôn Sen Hồ, Kim Hồ, Chi Đông, Chi Nam, Gia Lâm, Cổ Giang và cụm dân cư Nông trường Toàn Thắng với tổng dân số trên 11 nghìn người, 2286 hộ.
Xã có tổng diện tích tự nhiên 810 ha, diện tích đất canh tác 425 ha chia làm hai khu vực trong đồng và ngoài bãi.
Các di tích lịch sử , văn hóa, ngành nghề, sản phẩm độc đáo.
Xã Lệ Chi là vùng đất cổ hiện còn lưu giữ được nhiều di tích lịch sử và văn hóa Kinh Bắc như: Chùa Vạn Xuân ở thôn Sen Hồ, Chùa Diên Phúc ở thôn Gia Lâm hiện còn lưu giữ được nhiều pho tượng đặc sắc về nghệ thuật tạo hình.
Đình Chi Đông, Đình Sen Hồ là hai công trình kiến trúc cổ với đường nét hoa văn trạm trổ độc đáo.
Là vùng đất ven sông, hàng năm được phù xa bồi đắp nhưng xa các trục giao thông lớn nên từ xưa tới nay, nghề chính ở Lệ chi vẫn là nghề nông lấy việc trồng cây lương thực là chính. Bên cạnh đó xã còn duy trì nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa nên từ lâu đời dân gian đã có câu ca:
Thuyền ai thấp thoáng bên sông.
Ghé thăm phong cảnh thăm đồng dâu xanh.
Thăm người thôn nữ cửu canh…
Lệ chi có một đặc sản nổi tiếng đó là Củ đậu ở thôn Cổ Giang. Khác với các nơi cũng là loại củ đậu đó nhưng củ đậu ở Cổ Giang chắc mịn ai được thưởng thức một lần chắc sẽ mãi nhớ vị ngọt và mát rất riêng biệt.
Rau củ cải trái vụ được trồng ở 3 thôn Chi Đông, Chi Nam và Cổ Giang cũng là một sản phẩm truyền thống- một đặc sản nông nghiệp nổi tiếng, được thể hiện qua câu ca:
"Ai về qua đất Lệ chi
Nhớ mua rau cải làm dưa trái mùa"
Truyền thống cách mạng
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhân dân Lệ Chi sớm có tinh thần yêu nước. Từ thời Hùng vương thứ 6, Lệ chi đã có ông Châu Đô Thống tham gia đánh tan giặc Ân. Rồi năm 40 sau công nguyên lại có anh em ông Đống, ông Hựu giúp Hai bà Trưng dấy binh khởi nghĩa giành thắng lợi. Và thời kỳ nào có giặc xâm lược là Lệ Chi lại có thêm các anh hùng hào kiệt vì nước quên thân, hiện nhiều người đã được lưu danh để dân làng mãi mãi thờ phụng, hương khói.
Trong thời kỳ thực dân Pháp xâm lược, Lệ chi là nơi sớm tiếp thu ánh sáng của Đảng. Lệ Chi là nơi sớm thành lập đội tự vệ cùng tự vệ cả huyện đi phá cầu Cầu Bây, cắt dây điện thoại, đánh đổ cột điện trên đường 5, phá hoại những công cụ thông tin trong nhà ga Phú Thị, Cổ Bi. Các tầng lớp nhân dân Lệ Chi đều nhất tề theo cách mạng tham gia giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám. Rồi những năm tháng gian khổ sống trong vùng tề, Lệ Chi là địa phương có phong trào du kích chiến tranh mạnh đã tích cực giết ác, trừ gian, tiêu diệt bọn phản động không cho chúng lập bốt Tiếu và bắt thanh niên đi lính, đồng thời anh dũng chống trả, đẩy lui các trận càn của giặc pháp.
Không chỉ chiến đấu dũng cảm, nhân dân Lệ chi còn cần cù, chăm chỉ sản xuất góp phần chi viện sức của cho các chiến trường góp phần nhỏ vào chiến thắng chung của dân tộc.
Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống giặc Pháp, đế quốc Mỹ và bảo vệ Tổ Quốc, xã Lệ Chi đã tiễn đưa 939 thanh niên lên đường nhập ngũ, có 48 thanh niên tham gia lực lượng thanh niên xung phong, trong đó có 153 người đã hy sinh trên các mặt trận.
Lệ Chi vững bước trên đường đổi mới
Là xã xa trung tâm huyện, lại mang nặng tính thuần nông. Vì thế những năm qua, xã Lệ chi đã tập trung lãnh đạo và vận động nhân dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp. Mỗi năm các đoàn thể đã giúp các hộ vay từ 4 đến 6 tỷ đồng để đầu tư phát triển kinh tế. Hiện tại toàn xã đã chuyển trên 20 ha từ cấy lúa trồng màu sang mô hình kinh tế trang trại và vườn đồng. Trong đó có mô hình trồng hoa ở thôn Chi Nam cho thu nhập cao gấp hàng chục lần cấy lúa. 160 ha lúa, 173 ha ngô đều sử dụng các giống TBKT. Diện tích chuyên rau trên 35 ha trước đây thâm canh truyền thống nay đã áp dụng quy trình ViệtGAP mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn rau. củ an toàn được người tiêu dùng tin tưởng. Tuy diện tích cây dâu hiện giảm còn 20 ha nhưng đa phần các hộ nuôi tằm đều nuôi giống TBKT nên thu nhập cũng khá cao.
Người dân xã Lệ Chi còn khai thác triệt để lợi thế xã ven đê có đồng cỏ tự nhiên để phát triển mạnh đàn bò thịt và thực hiện nuôi lợn theo quy mô vừa và lớn. Đàn bò thịt thường xuyên có mặt gần 1600 con, đàn lợn trên 4000 con, đàn gia cầm trên 10.000 con đã mang lại nguồn thu cao và ổn định cho nhiều gia đình.
Ngoài ra, nhiều hộ sống ven các trục đường liên thôn, gần khu công nghiệp Hapro và trường Cao Đẳng Kỹ thuật thời trang phát triển mạnh các loại hình kinh doanh, vừa tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, vừa tăng thu nhập làm giàu chính đáng. Năm 2011, tổng thu nhập toàn xã đạt trên 125 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người trên 960 nghìn đồng/tháng. Số hộ đạt gia đình văn hóa chiếm 82,% tổng số hộ, Cụm dân cư Toàn Tháng được công nhận là tổ dân phố văn hóa.
Xây dựng hệ thống chính trị từng bước vững mạnh.
Đảng bộ xã hiện có 237 đảng viên sinh hoạt tại 12 chi bộ. Hàng năm số đảng viên hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt từ 60 đến 87%, có từ 7 đến 10 chi bộ đạt TSVM. Đảng bộ 3 năm đạt TSVM.
Các đoàn thể hoạt động khá đồng đều, trong đó Hội Nông dân là một điểm sáng về hoạt động vay vốn của hội ND huyện. Mỗi năm hội ND xã giải ngân được từ 1,6 đến 3 tỷ đồng tiền vốn. Nhờ đó đã giúp nhiều hội viên có vốn thực hiện các mô hình kinh tế chuyển đổi.
Năm 2011, các đoàn thể và MTTQ được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Mong muốn của cán bộ và nhân dân xã Lệ chi.
Là xã vùng sâu, vùng xa và mang nặng tính thuần nông, kinh tế chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất, nhì huyện nên cán bộ và nhân dân xã Lệ Chi mong muốn nhận được sự quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa trong xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ thực hiện các dự án kinh tế chuyển đổi để nông nghiệp, nông thôn ở Lệ chi phát triển mang tính bền vững./.