ubnd các xã, thị trấn

Xã Cổ Bi
Ngày đăng 20/03/2015 | 00:00

“Thứ nhất Cổ Bi, thứ nhì Cổ Loa, thứ ba Hà Nội” Cổ Bi là một trong những vùng đất cổ của huyện Gia Lâm, nằm trong vùng Châu thổ sông Hồng và sông Đuống. Phía Bắc giáp xã Dương Hà, Phù Đổng; Nam giáp Thị trấn Trâu Quỳ, quốc lộ 5; Đông giáp xã Đặng Xá; Tây giáp quốc lộ 1B và phường Phúc Lợi. Xã có 3 thôn là thôn Vàng, thôn Cam và thôn Hội nằm theo thế chân vạc.

Xã Cổ Bi có tổng diện tích đất tự nhiên là 503 ha; trong đó đất nông nghiệp trên 160 ha. Dân số của xã hiện có 10.254 người với 2.950 hộ (số liệu năm 2012). Cổ Bi là xã ven đô của huyện Gia Lâm, có lịch sử phát triển lâu đời, con người đến sinh cơ lập nghiệp khá sớm. Theo "Đại Việt sử ký toàn thư" thời vua Hùng dựng nước Văn Lang, Cổ Bi thuộc bộ lạc Vũ Ninh quần cư trên vùng đất "địa linh nhân kiệt" với 3 địa danh được coi là "tam cổ" gồm: Cổ Bi, Cổ Loa và Cổ Pháp.
Trải qua hàng nghìn năm Bắc thuộc, thời Lý, Cổ Bi thuộc đất Long Biên, phủ Thuận Đức. Thời Trần thuộc lộ Bắc Giang phủ Thuận An đạo Diên Bắc. Thời Lê thuộc trấn Kinh Bắc. Thời Nguyễn thuộc trấn Bắc Ninh, sau đổi là tỉnh Bắc Ninh. Giữa năm 1961, Hà Nội mở rộng lần thứ nhất, xã Cổ Bi là một trong 31 xã của huyện Gia Lâm. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, xã Cổ Bi được đổi tên là xã Trung Thành. Trong kháng chiến chống Pháp, Cổ Bi còn có mật danh là "Giang Hoàng". Năm 1965 để bảo tồn địa danh truyền thống, Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội lại đổi tên xã Trung Thành là xã Cổ Bi như ngày nay.
Năm Đinh Mùi, Bảo Thái thứ 8 (1727), Trịnh Cương cho xây hành cung Cổ Bi có tên là phủ Kim Thành (khu vực tổ Bình Minh, Thị trấn Trâu Quỳ ngày nay). Năm 1787-1788 để trả thù nhà Trịnh, Lê Chiêu Thống đã cho đốt tất cả cung điện họ Trịnh xây cất ở Thăng Long, trong đó có hành cung Cổ Bi, hiện nay chỉ còn sót lại sấu đá, voi đá, hổ đá.
Cổ Bi đã từng là đại bản doanh của nhiều triều đại: Hai Bà Trưng, nhà Tiền Lý, nhà Ngô, nhà Trần. Đây cũng là vùng đất có nhiều truyền thuyết huyền bí về các vị Thành hoàng làng của cả 3 thôn.
Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, Cổ Bi có 3 mẹ được truy tặng danh hiệu "Mẹ Việt Nam Anh hùng"; 174 thanh niên ưu tú đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc… Cổ Bi là một trong ít xã của huyện Gia Lâm có Nghĩa trang liệt sĩ. Nhân dân Cổ Bi đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương kháng chiến hạng Hai, 01 Huân chương Chiến công hạng Ba, 01 Huân chương Lao động hạng Hai, 03 Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích trong lao động sản xuất.
Kinh tế chủ yếu của Cổ Bi là sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây đã dần chuyển dịch sang thương mại-dịch vụ, chăn nuôi trên địa bàn xã phát triển, nhiều hộ đã đầu tư xây dựng chuồng trại, trang trại, chăn nuôi tập trung với số lượng lớn cho hiệu quả kinh tế cao, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 13%/năm.
Kinh tế tăng trưởng đã tạo điều kiện cho giáo dục, y tế, văn hóa phát triển. Hàng năm số học sinh tiểu học lên lớp đạt 100%, học sinh trung học cơ sở chuyển cấp đạt 94-96%, đến nay xã có 2/3 trường được công nhận "Trường chuẩn Quốc gia".
Là xã ven đô nên ưu tiên hàng đầu của Cổ Bi hiện nay là chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Với sự đoàn kết thống nhất của các cấp ủy Đảng và các tầng lớp nhân dân, Cổ Bi đã và đang quyết tâm xây dựng để trở thành xã Nông thôn mới theo hướng đô thị vào năm 2015./.