bài viết chuyên sâu
Gieo sạ (gieo thẳng theo hàng) là một trong các giải pháp nhằm góp phần tăng năng suất lúa. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu quy trình kỹ thuật gieo thẳng để các nông hộ tham khảo.
1. Lợi ích của việc gieo sạ:
- Khác với lúa cấy, lúa gieo sạ có sự sinh trưởng liên tục từ khi gieo mạ, không bị đứt rễ và bị chột do nhổ mạ và cấy, nên có thể rút ngắn được thời gian sinh trưởng, trung bình 7-10 ngày trong vụ mùa và 12-15 ngày trong vụ xuân, giúp nông dân chủ động giải phóng đất sản xuất 3 vụ/năm.
- Tiết kiệm công lao động: Do không phải gieo mạ và cấy, kết hợp việc sử dụng thuốc trừ cỏ nên tiết kiệm khoảng 100 -120 công/ha/vụ.
- Tiết kiệm lượng nước tưới đầu vụ, điều này rất có ý nghĩa với những vùng có lượng nước tưới cho vụ xuân bị hạn chế.
- Nếu sử dụng dụng cụ sạ hàng, có thể chủ động và tiết kiệm lượng thóc giống so với lúa cấy (đối với các giống lúa thuần).
- Hạn chế bệnh nghẹt rễ.
2. Những khó khăn khi gieo sạ:
- Nếu ruộng quá nhỏ và manh mún sẽ khó áp dụng dụng cụ sạ hàng.
- Ruộng phải thật chủ động nước. Đặc biệt trong tuần đầu tiên sau khi sạ.
- Với cùng một giống lúa thì nhìn chung lúa gieo sạ dễ đổ ngả hơn lúa cấy do bộ rễ ăn nông hơn lúa cấy, do đó nên lựa chọn những giống lúa có bộ rễ phát triển khoẻ, thân cứng, chống đổ tốt.
- Do giai đoạn đầu cạn nước nên cỏ dại có điều kiện phát triển mạnh. Yêu cầu phải làm cỏ hoặc sử dụng thuốc trừ cỏ kịp thời.
3. Một số biện pháp kỹ thuật cần thực hiện triệt để:
- Ruộng gieo sạ cần chủ động nước hoàn toàn.
- Khi làm đất cần chú ý: Cày bừa kỹ, san ruộng thật phẳng, chia ruộng thành nhiều luống nhỏ tương đương chiều rộng của dụng cụ sạ hàng (2,5 hoặc 3,3m).
Tháo khô nước ruộng trước khi sạ nhưng không để nứt nẻ (tương tự như mặt luống mạ).
- Ngâm ủ hạt giống: áp dụng các biện pháp xử lý hạt giống như phần quy trình chung đã giới thiệu. Ngâm ủ bình thường như lúa cấy, ủ tới khi rễ mới nhú ra hoặc tối đa dài bằng 1/2 hạt là tốt nhất (không được để rễ mọc dài quá khó gieo). Khi dùng dụng cụ sạ hàng, cần căn cứ độ dài của rễ để quyết định số lỗ sạ trên dụng cụ sạ hàng (che bớt hoặc để nguyên số lỗ tra hạt). Qua nhiều thực nghiệm đã cho thấy, với dụng cụ sạ hàng, mỗi "trống" có 4 hàng lỗ gồm 2 hàng chính và 2 hàng phụ; nếu để cả 4 hàng thì lượng giống cần 80 kg/ha, khi sạ xong lúa sẽ lên rất dày. Nếu bịt 2 hàng chính, chỉ để 2 hàng phụ thì lượng giống chỉ cần 35-40 kg/ha, có thể áp dụng để sạ cả với lúa lai.
- Một số biện pháp chăm sóc:
+ Trường hợp vừa sạ xong trong ngày gặp mưa rào, mưa dông, tốt nhất tháo nước ngập mặt luống trước cơn mưa để tránh cho mưa khỏi trôi, dồn hạt giống, sau cơn mưa rút cạn nước.
+ Để ruộng lúa đồng đều, tốt nhất nên sử dụng dụng cụ sạ hàng thay cho sạ bằng tay. Tuy nhiên với những ruộng quá nhỏ, góc ruộng, thường không sạ hàng được, cần sạ tay bổ sung.
+ Sau khi sạ 2-3 ngày, bắt đầu cho nước từ từ vào ruộng theo chiều cao của mầm lúa, đạt mức 3-5cm thì giữ nguyên là vừa.
+ Lượng phân bón và cách bón tương tự như phần quy trình chung.
+ Trừ cỏ: So với lúa cấy, lúa gieo sạ có nhiều cỏ hơn, cần chú ý làm cỏ 2-3 đợt. Trường hợp không có nhân công có thể sử dụng các loại thuốc trừ cỏ như: Thuốc Pyanchor 3EC, Prefit 300EC, Star 10WP,... tuỳ theo chủng loại, thành phần cỏ trong ruộng lúa mà lựa chọn loại thuốc cho phù hợp./.
Nguồn: Sưu tầm