Giới thiệu chung

Giới thiệu về huyện ủy
Ngày đăng 10/09/2015 | 09:14  | View count: 14689

ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN GIA LÂM
Phát huy truyền thống cách mạng và anh hùng,
đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng quê hương Gia Lâm
giàu đẹp, dân chủ, văn minh.
Gia Lâm là huyện ngoại thành nằm ở cửa ngõ phía Đông của Thủ đô Hà Nội, quê hương của Phù Đổng Thiên Vương, biểu tượng khí phách quật khởi của người Việt Nam. Nơi đây gắn liền với tên tuổi của Lý Thường Kiệt, Nguyên Phi Ỷ Lan, Ngọc Hân Công chúa, Cao Bá Quát và biết bao anh hùng khác mà công tích của hộ đã góp phần viết lên những trang sử vàng chói lọi của dân tộc.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, truyền thống cách mạng hào hùng, tinh thần yêu nước, vì độc lập dân tộc của cha ông tiếp tục được các thế hệ con cháu trên mảnh đất Gia Lâm tô thắm. Gia Lâm tự hào bởi từ tháng 8/1929 đã có Chi bộ Đảng cộng sản được thành lập ở nhà máy gạch Cầu Đuống. Những năm 40 của thế kỷ trước, xã Trung Mầu đã trở thành một điểm "An toàn khu" của Trung ương và xứ uỷ Bắc Kỳ. Khi thời cơ cách mạng đến, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Gia Lâm đã đồng loạt đứng lên khởi nghĩa đập tan chế độ cũ giành chính quyền về tay nhân dân vào ngày 18/8/1945.
Qua các cuộc kháng chiến anh dũng và lâu dài của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Huyện, quân và dân Gia Lâm đã mưu trí, kiên cường chiến đấu chống kẻ thù, cùng quân dân cả nước đánh thắng thực dân và đế quốc xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, lập nhiều chiến công hiển hách. Nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Gia Lâm cùng các xã Yên Viên, Yên Thường, Trung Mầu, Kim Sơn, Phú Thị, thị trấn Trâu Quỳ được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu "Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".
Trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Gia Lâm không ngừng phấn đấu vươn lên, vượt qua mọi khó khăn thử thách, tranh thủ điều kiện và thời cơ thuận lợi, phát huy nguồn lực, động viên mọi tầng lớp nhân dân hăng hái lao động, sản xuất kinh doanh giành nhiều thành tựu to lớn. Kinh tế liên tục phát triển và có mức tăng trưởng khá, văn hoá xã hội phát triển, an ninh quốc phòng được giữ vững, bộ mặt nông thôn, đô thị có nhiều đổi mới, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, lòng tin của nhân dân với Đảng được củng cố tăng cường. Huyện được tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng ba.
Trải qua các kỳ Đại hội Đảng bộ huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (1945-1961) và qua 20 kỳ Đại hội (từ khi Gia Lâm trở thành huyện ngoại thành của Thủ đô Hà Nội - tháng 5/1961), Đảng bộ và nhân dân Gia Lâm không ngừng lớn mạnh về mọi mặt. Các cấp uỷ Đảng luôn luôn đoàn kết nhất trí, giữ vững nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện thắng lợi các Nghị quyết do Đại hội Đảng đề ra.
Từ sau khi thực hiện Nghị định 132 của Chính phủ về chia tách địa giới hành chính (năm 2004) đến nay, Đảng bộ Huyện có 49 tổ chức cơ sở Đảng với trên 7.770 đảng viên (Trong đó có 22 đảng bộ xã, thị trấn; 17 chi, đảng bộ khối hành chính sự nghiệp; 02 đảng bộ khối lực lượng vũ trang và 08 chi, đảng bộ khối doanh nghiệp)chung sức, chung lòng cùng gần 24 vạn người dân vững vàng trong mọi thử thách, xây dựng quê hương Gia Lâm giàu đẹp, dân chủ, văn minh.

hệ thống chính trị