văn hóa xã hội
Thời gian qua, Công an Thành phố Hà Nội nói chung và Công an huyện Gia Lâm nói riêng đã chủ động làm tốt công tác phối hợp với ngành GD&ĐT triển khai lồng ghép nội dung giáo dục kiến thức, kỹ năng PCCC trong các tiết học ngoại khoá, các hoạt động ngoài giờ lên lớp hay những buổi sinh hoạt cho học sinh. Qua đó, giúp các em học sinh tiếp nhận, nắm bắt kiến thức, kỹ năng PCCC một cách vô cùng hiệu quả.
Cán bộ Cảnh sát PCCC&CNCH truyền giảng cho học sinh các trường những kiến thức cơ bản về PCCC
Thông qua các tiết học/buổi tuyên truyền kể trên, đội ngũ các thầy cô giáo và cán bộ Cảnh sát PCCC&CNCH, sẽ giới thiệu, truyền giảng cho học sinh các trường những kiến thức cơ bản về công tác PCCC, mối nguy hiểm của cháy, nổ; hướng dẫn cho các em cách nhận biết các dấu hiệu của đám cháy, nguy cơ gây tai nạn và hướng dẫn, tập huấn, giúp các em nắm bắt được những kỹ năng cơ bản để chữa cháy, ứng cứu và thoát hiểm khi không may xảy ra sự cố cháy, nổ như: hô hoán, báo động, cách chọn lối thoát, cách sử dụng các vật dụng để bảo vệ cơ quan hô hấp, bảo vệ cơ thể khi xảy ra cháy, nổ; kỹ năng thoát nạn trong môi trường khói, khí độc; biết cách sử dụng và thực hành dập tắt đám cháy bằng bình chữa cháy; cách phòng tránh, sơ, cấp cứu các tai nạn, sự cố thường gặp…
Trẻ được trang bị kiến thức và thực hành kỹ năng trong công tác PCCC&CNCH
Để giúp trẻ có thể ghi nhớ và thực hiện được những kỹ năng thoát hiểm cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và lực lượng PCCC. Hướng dẫn cho trẻ ghi nhớ được các kỹ năng thoát khỏi hỏa hoạn thông qua các hoạt động như: cho bé đóng vai lính cứu hỏa hoặc nạn nhân, viết lên tấm bảng số cứu hỏa 114…
Việc đưa kiến thức PCCC&CNCH vào học đường giúp trang bị cho trẻ những kỹ năng và trách nhiệm trong công tác PCCC&CNCH, có thể tự xử lý khi không may có sự cố cháy, nổ xảy ra. Đồng thời, Các em chính là những tuyên truyền viên tích cực về PCCC trong gia đình, người thân và cộng đồng xung quanh./.
Công an huyện Gia Lâm