TIN NỔI BẬT
Chiều ngày 05/11/2024, BCĐ thực hiện Dân chủ ở cơ sở huyện Gia Lâm tổ chức hội nghị tọa đàm, tuyên truyền về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo Luật số 10/2022/QH15 ngày 10/11/2022 (khối trường học).
Các đại biểu tham dự hội nghị
Dự, chủ trì hội nghị có đồng chí Nguyễn Thị Huệ- Phó trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội và đồng chí Đào Xuân Trường- Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Phó Trưởng ban Thường Trực BCĐ thực hiện dân chủ ở cơ sở huyện Gia Lâm.
Đồng chí Đào Xuân Trường- Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy phát biểu tại hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy khẳng định: Trong những năm qua, nhận thức rõ tầm quan trọng việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Huyện ủy Gia Lâm đã nghiêm túc quán triệt và triển khai thực hiện tốt các văn bản của Trung ương, Thành phố và Huyện về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trong năm nhiệm kỳ liên tiếp từ khóa 18 (nhiệm kỳ 2001-2005) đến khóa 22 (nhiệm kỳ 2020-2025), BCH Đảng bộ Huyện đều ban hành và tổ chức thực hiện Chương trình công tác toàn khóa về “Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở”. Việc mở rộng dân chủ ở cơ sở đã góp phần quan trọng xây dựng môi trường chính trị dân chủ, cởi mở; quyền làm chủ của Nhân dân được phát huy tích cực; niềm tin của Nhân dân với Đảng chính quyền được củng cố, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Huyện và cơ sở.
Ngày 10/11/2022, Quốc hội đã ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (Luật số 10), có hiệu lực từ 01/7/2023. Luật có 06 Chương, 91 Điều; quy định chung 03 nhóm lĩnh vực gồm Thực hiện dân chủ ở xã, thị trấn; Thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị và Thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động. Các quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở được quy định tại Luật so với các văn bản trước đây có nhiều điểm mới, nhất là việc quy định về quyền, nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ; việc xử lý vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở,…
Các đại biểu phát biểu thảo luận tại hội nghị
Đối với việc thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị được quy định tại Chương III- Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022. Sau khi Luật có hiệu lực thi hành, Huyện tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc ttriển khai thực hiện Luật; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phố biến đến 100% tù huyện đến cơ sở, MTTQ, các tổ chức CT-XH, Hội đồng GDPBPL huyện, các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị; In cấp phát trên 10.000 tờ rơi tuyên truyền theo Khối; tuyên truyền trên hệ thống phát thanh; tổ chức tuyên tuyền, tọa đàm chuyên đề… Chỉ đạo 100% các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan đơn vị tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở và QCDC trong 06 lĩnh vực, đảm bảo phù hợp, thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. UBND Huyện trình HĐND Huyện ban hành Nghị quyết số 10 về các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở…
Song thực tế hiện nay, việc tuyên truyền phổ biến tốt về bề rộng, nhưng chưa có chiều sâu; Nhiều nội dung các tổ chức, cá nhân chưa hiểu rõ bản chất, chưa chấp hành thực hiện theo đúng quy định; việc thực hiện dân chủ ở địa phương, đơn vị, việc triển khai, tổ chức thực hiện vẫn còn lúng túng, nhầm lẫn các quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở đã hết hiệu lực sau khi Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực thi hành. Vì vậy, tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phát biểu ý kiến về các nội dung như những quy định, nội dung, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện dân chủ; chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong tổ chức, thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Vị trí, vai trò của cấp ủy, Ban giám hiệu, đặc biệt là người đứng đầu (Hiệu trưởng) trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện Luật; nêu rõ trách nhiệm của mình theo quy định của Luật; những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong triển khai, tổ chức thực hiện tại đơn vị. Vị trí, vai trò, quyền, trách nhiệm của Công đoàn, Ban Thanh tra nhân dân trong triển khai thực hiện Luật; những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện và những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện; những kinh nghiệm hay, những việc làm tốt, gương điển hình trong tuyên truyền, vận động và thực hiện ở cơ sở; cùng các kiến nghị, giải pháp nhằm tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, trách nhiệm của Chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại cơ quan, đơn vị trong thời gian tiếp theo.
Đồng chí Nguyễn Thị Huệ- Phó trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội phát biểu tại hội nghị
Thời gian tới, Huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương, Thành phố về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở như Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở cùng các văn bàn hướng dẫn thi hành Luật; rà soát, sửa đổi, bổ sung các nội dung cho phù hợp, đồng bộ với quy định của Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, góp phần triển khai hiệu quả Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở trong các cơ quan, đơn vị, nhất là trong các trường học trên địa bàn Huyện; phát huy tốt vai trò làm chủ của Nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, giám sát công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp./.
Ngọc Minh