tin tức khác

Phát triển TMĐT, chống thất thu thuế phải có sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị
Ngày đăng 25/11/2024 | 14:40  | View count: 25

  Đó là nhận định của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tại nội dung trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội liên quan đến triển khai đồng bộ công tác quản lý thu thuế trên sàn thương mại điện tử (TMĐT). Bộ trưởng cho biết, thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ việc thu thuế trên sàn TMĐT cũng như đối với giao dịch trên môi trường điện tử, tập trung tại 2 thành phố lớn là TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết sắp tới sẽ đẩy mạnh thực hiện đồng bộ việc thu thuế trên sàn TMĐT

Quyết liệt thực hiện việc thu thuế qua sàn TMĐT

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ, Bộ Tài chính đã thực hiện quyết liệt thực hiện việc thu thuế qua sàn TMĐT. Bộ Tài chính đã đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn NNT và thực hiện vận hành Cổng TTĐT dành cho nhà cung cấp nước ngoài.

“Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan thuế và hỗ trợ để thu thuế trên sàn TMĐT, đảm bảo công bằng trong thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.

Trong công tác phối hợp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đã chủ trì thực hiện phối hợp quyết liệt với các bộ, ngành, như: Bộ Công Thương, Bộ Thông tin Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an. Theo đó, đã kết nối Cơ sở dữ liệu dân cư bằng 71,37% với 663.157 lượt kết nối với Cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an quản lý.

Đồng thời, Bộ Tài chính chia sẻ với Bộ Công Thương thông tin 929 sàn TMĐT và kiểm tra đối chiếu 361 sàn TMĐT để thực hiện kết nối và quản lý thu. Đối với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính đã cung cấp 144 triệu tài khoản, trong đó, có 10 triệu tài khoản của các tổ chức và 134 triệu tài khoản cá nhân của 96 ngân hàng.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, kết quả thu thuế từ hoạt động TMĐT đã tăng qua các năm. Cụ thể: năm 2022 thu được 83 nghìn tỷ đồng, năm 2023 thu được 97 nghìn tỷ đồng và 5 tháng đầu năm 2024 đã thu được 50 nghìn tỷ đồng. Đã có 96 nhà cung cấp nước ngoài, các tập đoàn công nghệ như Facebook, Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple… đã kê khai và nộp thuế trên Cổng TTĐT dành cho nhà cung cấp nước ngoài là 15,6 nghìn tỷ đồng.

“Bộ Tài chính đẩy mạnh thực hiện đồng bộ việc thu thuế trên sàn TMĐT cũng như đối với giao dịch bằng điện tử trên môi trường điện tử, trong đó, tập trung tại 2 thành phố lớn là TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã có công văn đề nghị các UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan thuế và hỗ trợ để thu thuế trên sàn TMĐT, đảm bảo công bằng trong thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.

Khuyến nghị đến người sản xuất trong nước chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhất là trên môi trường TMĐT

Quản lý TMĐT phải có sự phối hợp đồng bộ

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, cụm từ “thương mại điện tử” làm “nóng” nghị trường với nhiều vấn đề đặt ra, như: vi phạm pháp luật trong hoạt động TMĐT; quản lý DN trong TMĐT đối với hàng xuất nhập khẩu; quản lý chất lượng sản phẩm; lộ lọt thông tin cá nhân …

Theo các đại biểu, TMĐT đang thúc đẩy nền kinh tế số của đất nước, tuy nhiên, hoạt động TMĐT thời gian qua đã và đang bị các đối tượng lợi dụng để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ xuất xứ và lợi dụng TMĐT để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vấn đề bảo mật thông tin; quản lý hàng nhập khẩu và câu chuyện livestream bán hàng trên các ứng dụng, doanh thu đạt cả trăm tỷ đồng một ngày… là vấn đề đại biểu nêu.

Trả lời chất vấn đại biểu liên quan đến lo ngại lộ, lọt thông tin cá nhân, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Công an xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo đảm các quy định của pháp luật toàn diện các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực TMĐT.

Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông về các quy định mới của pháp luật; yêu cầu các tổ chức cá nhân kinh doanh xây dựng quy tắc bảo mật thông tin; yêu cầu sản giao dịch điện tử công khai chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng.

Về giải pháp chống hàng giả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ đã thường xuyên khuyến nghị đến người sản xuất trong nước chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhất là trên môi trường TMĐT.

Quyết liệt trong quản lý, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin, riêng trong năm 2023, Bộ đã tiếp nhận và gỡ bỏ hơn 18.000 sản phẩm và chặn hơn 5.000 gian hàng vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng qua TMĐT.

Theo Bộ trưởng, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chủ động phối hợp các bộ ngành chức năng tham mưu Chính phủ xem xét ban hành nghị định về quản lý hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu qua TMĐT. Theo đó, tách bạch giữa luồng hóa thông thường với hàng hóa TMĐT để tăng cường quản lý người bán nước ngoài qua kênh này.

Đối với giải pháp chống thất thu thuế, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, theo thống kê, nộp thuế trong lĩnh vực này của năm 2003 tăng trên 16% so với năm 2022. Bộ Công Thương tích cực phối hợp với ngành Thuế và Bộ Tài chính chia sẻ dữ liệu của hơn 900 website và gần 300 ứng dụng sàn giao dịch TMĐT để thực hiện rà soát và tăng cường quản lý thuế trong TMĐT.

Hóa đơn điện tử - Hướng đi tất yếu của thương mại điện tử

Kỷ nguyên số hóa bùng nổ mạnh mẽ, khoa học và công nghệ tác động lớn đến đời sống xã hội thuộc mọi lĩnh vực, nổi trội nhất phải kể đến TMĐT. Tương lai của TMĐT đã hiện hữu và đang thay đổi từng ngày.

Cùng với làn sóng mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0,  TMĐT trên toàn cầu nói chung và ở Việt Nam nói riêng tiếp tục có những thay đổi và phát triển không ngừng. Điều này buộc các DN phải có sự đánh giá và phân tích để kịp “bắt nhịp” với sự thay đổi của  TMĐT.

Với tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của TMĐT đối với mảng tài chính - kế toán của DN, việc áp dụng  HĐĐT  trở thành xu thế tất yếu. Trước mắt, HĐĐT mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về chi phí và thời gian, về lâu dài, HĐĐT là công cụ góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số của DN.

Theo Cục Thuế TP Hà Nội, việc sử dụng HĐĐT khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ mang lại nhiều lợi ích cho DN: Giảm chi phí in ấn, vận chuyển, bảo quản, lưu trữ, thuận tiện cho công tác hạch toán kế toán. Không chỉ tối ưu các chi phí, thời gian, thông qua việc áp dụng HĐĐT, DN có cơ hội mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, năng lực cạnh tranh.

Đối với phía cơ quan thuế, sử dụng HĐĐT góp phần cải tiến, rút gọn các thủ tục đăng ký phát hành, báo cáo tình hình sử dụng, lập bảng kê hóa đơn. Đồng thời, HĐĐT được đưa vào sử dụng giúp cơ quan thuế ngăn chặn và kiểm soát chặt chẽ hơn việc trốn thuế.

 

 

                                                                                                         Tổng cục Thuế

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

bình chọn

Xin ý kiến về giao diện mới