tin tức khác

Một mô hình chuyển đổi cây trồng bền vững tại Lệ Chi.
Ngày đăng 27/01/2016 | 16:59  | View count: 1281

Từ một hộ kinh tế khó khăn, nhờ mạnh dạn phát triển mô hình trồng cây ăn quả, cây cảnh tại xứ đồng Gốc Bàng thôn Sen Hồ, xã Lệ Chi, gia đình ông Ngô Văn Đỉnh đã có mức thu nhập vài tỷ đồng mỗi năm.

Bắt đầu từ cây Đào Nhật Tân: Năm 2003, trong một lần sang làng hoa Nhật Tân thăm một người bạn, thấy trồng hoa đào cho thu nhập cao, ông Đỉnh bàn với vợ chuyển toàn bộ 1.000m2 vườn trước nhà từ trồng rau ngắn ngày sang trồng cây đào thế bán vào dịp tết. Với sự kiên trì, học hỏi kinh nghiệm trồng đào đã giúp ông thành công, kinh tế gia đình khấm khá dần lên; không dừng ở đó, nhận thấy Thành phố, huyện và xã đang có chủ trương khuyến khích phát triển các mô hình trang trại, mô hình chuyển đổi các cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang các loại mô hình có giá trị kinh tế cao, ông Đỉnh đã tìm hiểu, lập phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng khu Gốc Bàng thôn Sen Hồ có diện tích 2,4ha từ trồng ngô, rau màu kém hiệu quả sau mô hình trồng cây ăn quả, hoa cây cảnh có giá trị kinh tế cao. Sau khi được UBND huyện, UBND xã phê duyệt phương án chuyển đổi cơ cấu, gia đình ông Đỉnh đã mạnh dạn vay nguồn vốn lớn từ ngân hàng để đi tiên phong trong thực hiện mô hình chuyển đổi cây ăn quả, hoa cây cảnh ở địa phương; cùng với việc trồng 2.000 gốc đào Nhật Tân, gia đình ông đã trồng 20.000 cây cam đường canh, 10.000 cây quất cảnh, quất thế và 2.000 gốc cam vinh.

Vợ chồng ông Ngô Văn Đỉnh chăm sóc cây cam đường canh

Để làm vườn có hiệu quả, ông Đỉnh thực hiện phương châm "chưa biết thì hỏi, chưa giỏi phải học", theo đó, gia đình ông đã liên kết với một số hộ làm vườn giỏi ở huyện Văn Giang để tích lũy kiến thức và kinh nghiệm từ việc đặt gốc, sang ngôi, cắt tỉa, uốn thế với từng loại cây đến việc điều tra thổ nhưỡng, tình hình sâu bệnh. Bên cạnh đó, các thành viên trong gia đình đều tích cực tham dự các lớp tập huấn trồng cây ăn quả do huyện và xã tổ chức. Nhờ đó tới nay, chỉ cần nhìn màu lá, sắc hoa các loại cây ăn quả trong trang trại, ông có thể biết đất canh tác thiếu chất gì và cây ăn quả đang bị loại sâu, bệnh nào gây hại, từ đó, kịp thời điều chỉnh lượng phân bón, thuốc trừ sâu và chế độ canh tác cho phù hợp.

Ông Đỉnh cho biết: về phân bón gia đình chủ yếu sử dụng đỗ tương loại 1 nghiền nhỏ, ngoài ra còn sử dụng thêm phân lân đầu trâu và NPK. Thuốc trừ sâu thì hoàn toàn sử dụng thuốc vi sinh, tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ và chỉ phun phòng sâu bệnh vào thời điểm quả còn non và trước khi quả phân múi (phun cách ly trước thu hoạch ít nhất 60 ngày) nên sản phẩm của trang trại đảm bảo an toàn với cả người sản xuất và người tiêu dùng.

Vợ chồng ông Ngô Văn Đỉnh cắt tỉa quất cảnh bán tết

Với cách làm trên, trang trại hoa cây cảnh, cây ăn quả của gia đình ông Đỉnh không chỉ tạo được cảnh quan đẹp mắt cho khu vực mà các cây trồng luôn cho năng suất cao, mã đẹp, nhiều cây cam Vinh cho năng suất trên 2 tạ, còn cam đường canh hầu hết quả chùm vài trăm quả/cây. Nhờ sự linh hoạt trong phát triển mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tổ chức thực hiện phương án sản xuất, trang trại của gia đình ông ngoài giải quyết việc làm thời vụ cho từ 5 - 20 lao động địa phương (với tiền công lao động từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày, lao động kỹ thuật 600.000 đồng/ngày); sau khi trừ chi phí đầu tư sản xuất và nộp sản lượng thuê đất, trung bình mỗi năm gia đình ông Đỉnh thu hàng tỷ đồng. Đầu năm 2014, thôn Sen Hồ đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp, gia đình ông thuê tiếp 3 sào ruộng của các hộ trong thôn để ươm các loại cây giống như bưởi diễn, cam đường canh, cam vinh và chanh đào vừa chủ động nguồn cây giống cho trang trại và bà con trong thôn, trong xã. Bên cạnh đó, ông Đỉnh còn tận tình phổ biến kiến thức và kinh nghiệm làm vườn cho các hộ gia đình, cá nhân đi sau với mong muốn trên địa bàn có thêm nhiều hộ nông dân làm giàu từ đất nông nghiệp.

Và để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nông dân trên địa bàn xã Lệ Chi và các đơn vị khác phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn một cách bền vững, có định hướng, UBND huyện Gia Lâm đã ban hành, triển khai thực hiện Kế hoạch số 135/KH-UBND ngày 31/7/2015 về việc rà soát quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 trên địa bàn Huyện và Quyết định 06/2015/QĐ-UBND ngày 15/12/2015 quy định về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình trên địa bàn huyện Gia Lâm.

                                                                                                    Minh Dương – Phòng Kinh tế.

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

bình chọn

Xin ý kiến về giao diện mới