THUẾ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Giảm thuế giá trị gia tăng: Chính sách tác động tốt với cả doanh nghiệp và người dân
Ngày đăng 04/03/2022 | 10:15

PV:  Từ ngày 1/2/2022, một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT từ 10% được giảm xuống 8%, theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội. Theo ông, việc được giảm thuế GTGT có ý nghĩa quan trọng ra sao với doanh nghiệp (DN) và người dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp?

PGS-TS. Lê Xuân Trường: Đây là chính sách đúng đắn và kịp thời, là một trong những biện pháp kích cầu nền kinh tế trong bối cảnh thu nhập của một bộ phận dân cư giảm và một bộ phận DN bị khó khăn do thiếu hụt nhân công và đứt gãy chuỗi cung ứng do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Bằng chính sách này, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và hầu hết hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế được giảm 2% thuế suất thuế GTGT. Như vậy, người tiêu dùng có thể mua được hàng với giá rẻ hơn nếu lựa chọn của người kinh doanh là giữ nguyên giá bán chưa thuế GTGT, hỗ trợ nâng cao đời sống nhân dân và qua đó, kích thích tiêu dùng, kích thích sản xuất phát triển.

Trường hợp lựa chọn của người sản xuất, kinh doanh là giữ nguyên giá bán đã có thuế như trước khi giảm thuế (và thị trường chấp nhận điều đó) thì lợi nhuận của người kinh doanh tăng lên tương ứng với phần thuế được giảm. Trong trường hợp này, việc giảm thuế hỗ trợ thêm nguồn lực tài chính cho người sản xuất, kinh doanh. Như vậy, trong cả hai khả năng thì chính sách này đều có tác động tốt đối với DN và người dân.

PV: Theo ông, việc giảm thuế GTGT sẽ tác động ra sao đến NSNN?

PGS-TS. Lê Xuân Trường: Trong ngắn hạn thì việc giảm thuế GTGT sẽ làm giảm thu NSNN. Số giảm thu ước tính khoảng 60.000 tỷ đồng. Tuy vậy, trong trung hạn và dài hạn khi kinh tế tăng trưởng nhờ nhiều chính sách, trong đó có chính sách giảm thuế GTGT để kích cầu thì thu NSNN sẽ tăng. Mức độ tăng thu cụ thể như thế nào trong trung hạn và dài hạn tùy thuộc vào nhiều biến số của nền kinh tế.

PV: Có ý kiến cho rằng, gói hỗ trợ từ việc giảm thuế GTGT tuy cũng có tác dụng nhưng có vẻ như quá nhỏ bé theo tính toán - chỉ khoảng 0,2% GDP (khoảng 16.000 - 17.000 tỷ đồng), không có ảnh hưởng nhiều đến các chỉ số vĩ mô. Ông có quan điểm gì về vấn đề này?

PGS-TS. Lê Xuân Trường: Đó là con số được công bố từ kết quả nghiên cứu của tác giả bài báo. Tuy nhiên, tôi không thấy công bố về phương pháp nghiên cứu và cơ sở dữ liệu sử dụng để phân tích, đánh giá, do vậy, không có ý kiến về độ tin cậy của kết quả được công bố đó.

Để dự báo tác động giảm thuế như chính sách đã công bố đến tăng trưởng GDP cần áp dụng mô hình kinh tế lượng phù hợp với cơ sở dữ liệu tin cậy.

Có một điều chắc chắn đã được thừa nhận rộng rãi là trong điều kiện kinh tế bị suy giảm, việc giảm thuế có tác động cả về phía cầu, phía cung của nền kinh tế và tác động cuối cùng là làm tăng GDP.

Nhờ chính sách giảm thuế GTGT, giá các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm tại các chợ, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích khá ổn định, không tăng giá, mặc dù trong những ngày vừa qua thời tiết rất bất lợi, ảnh hưởng đến nguồn cung

Giả sử tính toán của tác giả bài báo nêu trên là đúng thì 0,2% tăng trưởng GDP cũng rất quý trong điều kiện hiện nay. Cần nhớ rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 chỉ là 2,58% và nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay chỉ mong thoát khỏi suy giảm GDP thôi chứ chưa dám kỳ vọng vào tăng trưởng mạnh.

Ngoài ra, cần lưu ý thêm rằng, để thực hiện vai trò điều tiết vĩ mô nền kinh tế, Nhà nước phải sử dụng nhiều công cụ và phối hợp nhiều chính sách, chứ không đơn thuần chỉ là giải pháp giảm thuế GTGT. Do vậy, khi đánh giá chính sách của Nhà nước, cần có cái nhìn toàn diện thì mới có đánh giá thỏa đáng.

PV: Có ý kiến so sánh, nếu giá đầu vào như xăng, dầu tăng lên 5% thì việc giảm thuế GTGT 2% không có giá trị nào về mặt kinh tế mà dường như chỉ có giá trị về mặt động viên tinh thần. Quan điểm riêng của ông về vấn đề này ra sao?

PGS-TS. Lê Xuân Trường: Theo tôi so sánh như vậy khá khập khiễng. Việc giảm thuế GTGT là giải pháp được tính toán trong điều kiện tổng thể của nền kinh tế và trong sự phối hợp với các chính sách tài khóa và tiền tệ khác của Nhà nước. Giá xăng dầu tăng hay giảm phụ thuộc chủ yếu vào giá dầu thế giới và nó biến động lên xuống thường xuyên. Một chính sách thiết lập trong cả năm lại đem so sánh với một yếu tố thường xuyên biến động trong năm là không thích hợp.

Việc giảm thuế GTGT chắc chắn có tác động kích cầu và thúc đẩy tăng trưởng GDP. Khi giá xăng dầu tăng quá nhiều do ảnh hưởng của thị trường thế giới thì để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo đời sống người dân, Nhà nước sẽ có các chính sách thích hợp, đó có thể là giải pháp về thuế, về điều chỉnh chính sách giá hoặc về an sinh xã hội.

Giải pháp cụ thể như thế nào thì cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Tuy nhiên, chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa về cơ bản, khi lựa chọn các giải pháp can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế, cần tôn trọng tối đa các quy luật thị trường; Nhà nước chỉ nên can thiệp để hạn chế các thất bại của thị trường thôi.

PV:  Xin cảm ơn ông!

TBTCVN

 

THỜI TIẾT CÁC VÙNG

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

BÌNH CHỌN

Xin ý kiến về giao diện mới