QUY HOẠCH XÂY DỰNG
Theo lộ trình đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, đến năm 2025, năm huyện ven đô: Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì sẽ trở thành quận. Xác định phát triển đô thị là yêu cầu tất yếu, đồng thời, tránh không để xảy ra tình trạng “nợ tiêu chí” khi được công nhận là quận, ngay trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, các huyện đều tập trung phát triển hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế để đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị trong tương lai.
Theo lộ trình đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, đến năm 2025, năm huyện ven đô: Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì sẽ trở thành quận. Xác định phát triển đô thị là yêu cầu tất yếu, đồng thời, tránh không để xảy ra tình trạng “nợ tiêu chí” khi được công nhận là quận, ngay trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, các huyện đều tập trung phát triển hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế để đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị trong tương lai.
Bài 1: Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị hiện đại
Những năm qua, các huyện ven đô Hà Nội đã tập trung đầu tư các dự án hạ tầng khung, khớp nối các tuyến đường trục của huyện, đường liên thôn, liên xã với quốc lộ, tỉnh lộ. Ðồng thời, đầu tư cải tạo cảnh quan, môi trường, lắp đặt mạng lưới cấp nước sạch để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Từng bước hình thành vùng đô thị mới
Tại công trường tỉnh lộ 179, đoạn từ dốc Lời đến đường 181 trên địa bàn huyện Gia Lâm những ngày này, không khí thi công rất sôi nổi. Các đơn vị đang nỗ lực hoàn tất công trình, đưa vào hoạt động vào đúng dịp kỷ niệm 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954 - 10-10-2020). Diện mạo một con đường mới, hiện đại đã hình thành. Tuyến đường dài hơn 2,3 km, mặt cắt 23 m với bốn làn xe, được đầu tư đồng bộ các hạng mục: hệ thống thoát nước, cấp nước, cây xanh, chiếu sáng… với tổng mức đầu tư hơn 132 tỷ đồng. Ðây chỉ là một trong hàng chục tuyến đường đã được huyện Gia Lâm triển khai xây dựng trong giai đoạn 2016 - 2020, cùng các tuyến đường: Yên Viên - Ðình Xuyên - Phù Ðổng, đường Dốc Hội - Học viện Nông nghiệp Hà Nội, đường 181 đi thôn Chi Ðông và Cống Doanh (xã Lệ Chi)... Huyện cũng đã chủ động đề xuất với thành phố tổ chức khớp nối các tuyến đường giao thông trục chính với các tuyến đường huyết mạch.
Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Lê Anh Quân cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn huyện đã triển khai 306 dự án với kinh phí 5.506 tỷ đồng; đơn cử dự án đầu tư cải tạo nâng cấp 190,5 km đường giao thông trục chính, đường liên thôn, trục thôn; rà soát, đầu tư xây dựng đồng bộ 411,8 km hệ thống chiếu sáng công nghệ cao... Giờ đây, huyện Gia Lâm đã định hình dáng vóc một vùng đô thị hiện đại. Ở khu hữu ngạn sông Ðuống, Gia Lâm có bốn tuyến đường lớn song song với nhau, gồm: đường đê Long Biên - Xuân Quan, đường 39B (Hà Nội - Hưng Yên), cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và quốc lộ 5 (cũ). Cắt ngang bốn tuyến đường lớn đó là quốc lộ 17. Ở phía tả ngạn sông Ðuống, Gia Lâm có đường quốc lộ 1 (cũ), cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Từ những trục đường lớn này, Gia Lâm đầu tư xây dựng hệ thống giao thông khớp nối với tuyến đường liên xã, liên thôn một cách đồng bộ, hiện đại.
Tuyến đường Dương Xá - Đông Dư được đầu tư đồng bộ. Ảnh: Mạnh Khánh
Theo lộ trình được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, năm huyện gồm: Gia Lâm, Ðông Anh, Hoài Ðức, Ðan Phượng, Thanh Trì đều đang trong lộ trình phát triển thành quận đến năm 2025. Các huyện đều chú trọng lập quy hoạch mạng lưới giao thông từ sớm. Các tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM đều được đặt ở mức cao, để phù hợp với phát triển đô thị. Trong đó, chú ý đấu nối hợp lý các tuyến đường kết nối huyện với các quốc lộ, tỉnh lộ. Riêng huyện Hoài Ðức đang nỗ lực hết sức để kịp hoàn thành các chỉ tiêu "lên quận" vào năm 2022. Chủ tịch UBND huyện Hoài Ðức Nguyễn Hoàng Trường cho biết: Thực hiện chủ trương của Thành ủy, đề án của UBND thành phố Hà Nội về việc xây dựng huyện Hoài Ðức thành quận vào năm 2022, đến nay huyện đã đạt 22 tiêu chí; 5 tiêu chí còn lại đang tập trung hoàn thành. Từ năm 2015 đến nay, huyện tập trung đầu tư xây dựng hệ thống giao thông theo quy hoạch; đầu tư hệ thống chiếu sáng, giao thông, khớp nối hạ tầng các khu đô thị với khu dân cư... Ðến nay, tổng chiều dài đường giao thông trên địa bàn huyện là 825,5 km, đạt tỷ lệ 9,72 km/km2, cơ bản đáp ứng tiêu chí giao thông của đô thị (10 km/km2). Công tác quản lý đô thị, trật tự xây dựng, văn minh đô thị trên địa bàn huyện từng bước đi vào nền nếp.
Tại các huyện Ðông Anh, Thanh Trì, Ðan Phượng, gần như toàn bộ các tuyến đường liên xã, liên thôn đều được trải nhựa. Nhiều tuyến đường làng cũng được trải nhựa thay vì đường bê-tông như trước kia. Cùng với việc đầu tư nâng cấp hạ tầng những khu dân cư cũ, thành phố đã phát triển nhiều khu đô thị mới ở địa bàn các huyện, như khu biệt thự Thiên đường Bảo Sơn, Geleximco, Nam An Khánh, Bắc An Khánh, Kim Chung - Di Trạch (huyện Hoài Ðức), Ðặng Xá, Vinhomes Ocean Park (huyện Gia Lâm), Thành phố thông minh (huyện Ðông Anh), Cầu Bươu, Hồng Hà City, Ðại Thanh (huyện Thanh Trì)… Những vùng quê đang chuyển mình thành những đô thị hiện đại.
Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân
Bên cạnh việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng khung, các huyện tập trung cải tạo cảnh quan môi trường, thi công hệ thống nước sạch, xây dựng trường học nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Ðến huyện Ðan Phượng trong thời gian gần đây, ngoài những con đường trải nhựa khiến "làng như phố", điều khiến mọi người thừa nhận đây là "vùng đất đáng sống" bởi không gian xanh, sạch, đẹp. Hầu như làng nào cũng có những "công viên mi-ni", vừa là nơi người dân nghỉ ngơi, thư giãn, vừa là nơi điều hòa khí hậu vùng. Xã Ðan Phượng "giữ kỷ lục" trong huyện với 13 ao, hồ được cải tạo. Xã Liên Hà đầu tư 14 tỷ đồng cải tạo, kè toàn bộ ao, hồ trên địa bàn. Các ao tù nước đọng trước đây tại thôn Tháp Thượng (xã Song Phượng) đã được cải tạo thành những ao sinh thái, chung quanh được lắp các dụng cụ tập luyện thể dục, thể thao. Thay vì kè ao bằng bê-tông như một số nơi khác, người dân Tháp Thượng đầu tư kè ao bằng đá ong của xứ Ðoài. Sau khi xây dựng, cải tạo ao làng, người dân lại phân công nhau gìn giữ vẻ đẹp cảnh quan. Bí thư Huyện ủy Ðan Phượng Trần Ðức Hải cho biết: "Theo lộ trình, đến năm 2025, huyện Ðan Phượng phát triển thành quận. Hiện tại, huyện đang phấn đấu để đến cuối năm nay, tất cả số xã của huyện đều đạt tiêu chí xã NTM nâng cao. Chúng tôi đối chiếu, so sánh giữa các tiêu chí của NTM nâng cao và tiêu chí của quận, từ đó triển khai thực hiện, để tiêu chí NTM nâng cao tiệm cận, hoặc tạo tiền đề để phát triển đô thị, nhất là các tiêu chí về giao thông, cây xanh, nước sạch, y tế... Trong đó, các tiêu chí về môi trường được chú trọng nhất để cải thiện chất lượng cuộc sống người dân". Tương tự Ðan Phượng, huyện Gia Lâm đã hoàn thành cải tạo 36 ao, hồ thành "ao sinh thái", huyện Ðông Anh từ năm 2019 đến nay đã cải tạo được gần 50 ao, hồ.
Ðể nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, một trong những tiêu chí quan trọng là bảo đảm cung cấp nước sạch cho các hộ dân. Thời gian qua, thành phố đã đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa cung cấp nước sạch tại khu vực nông thôn. Một trong những địa bàn làm tốt việc này là huyện Hoài Ðức. Từ năm 2017, huyện đã phối hợp Công ty cổ phần Nước sạch Tây Hà Nội, Công ty TNHH Nước sạch Hà Ðông lắp đặt mạng lưới cấp nước sinh hoạt vào các khu dân cư. Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Hoài Ðức Phùng Bá Nhân cho biết: "Hai năm 2018, 2019, huyện Hoài Ðức tạm dừng thi công một số dự án giao thông liên xã để phục vụ thi công đường ống nước sạch tại các xã Ðức Giang, Sơn Ðồng, Ðức Thượng… Do đó các hộ dân được đẩy nhanh tiến độ cấp nước, đồng thời, việc xây dựng đường giao thông được triển khai đồng bộ". Hiện tại, gần 100% số hộ dân các huyện Thanh Trì, Hoài Ðức, Gia Lâm, Ðông Anh được sử dụng nước sạch hợp tiêu chuẩn.
Việc xây dựng hạ tầng để "đón đầu" lộ trình "lên quận" tại các huyện ven đô của Hà Nội đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ. Tuy nhiên, một số dự án đang bị "chững" lại vì phải đợi quy hoạch. Tại huyện Gia Lâm, hiện việc triển khai nhiều dự án còn phải chờ điều chỉnh quy hoạch các phân khu đô thị N9, N10, N11. Tại huyện Ðông Anh, đến nay còn ba đồ án quy hoạch phân khu đô thị chưa được phê duyệt, cho nên việc cung cấp thông tin quy hoạch, chỉ giới đường đỏ để thực hiện dự án gặp khó khăn. Một khó khăn khác là Luật Xây dựng năm 2013 quy định nhà ở riêng lẻ ở nông thôn được miễn phép xây dựng. Năm huyện nêu trên vẫn là khu vực nông thôn, nếu tiếp tục miễn phép xây dựng cho các công trình nhà ở riêng lẻ thì dễ dẫn đến "vỡ quy hoạch" phân khu đô thị. Hai huyện có tỷ lệ đất đô thị dưới 70% đất tự nhiên là Gia Lâm, Ðan Phượng còn có vướng mắc là phải thực hiện quy hoạch vùng huyện, hình thành các khu chức năng đô thị đồng bộ có diện tích 500 ha trở lên… Ðiều này đòi hỏi thành phố phải đẩy nhanh triển khai quy hoạch phân khu đô thị, đồng thời ban hành những giải pháp để "gỡ khó" cho các huyện trong lộ trình lên quận.
(Còn nữa)