nội chính, an ninh quốc phòng
Ngày 20/9/2024, UBND huyện Gia Lâm tổ chức hướng dẫn thực hiện Nghị định số 50/2024/NĐ-CP và tập huấn nghiệp vụ về PCCC và CNCH cho lãnh đạo phòng, ban thuộc huyện, lãnh đạo UBND và đội viên lực lượng dân phòng, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở của 22 xã, thị trấn.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Thượng tá Đinh Việt Phương - Phó Trưởng công an huyện Gia Lâm phát biểu khai mạc lớp tập huấn
Tại buổi tập huấn, thạc sỹ, Thiếu tá Trần Văn Hân - Khoa CNCH, Trường Đại học PCCC phổ biến các quy định, điểm đặc biệt của Nghị định số 50/2024/NĐ-CP ngày 10/05/2024 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và chỉ ra vị trí, tầm quan trọng, nguyên tắc, tính chất của công tác PCCC; trách nhiệm PCCC của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình; tổ chức, biên chế, huấn luyện và chế độ chính sách đối với lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở và chuyên ngành; một số kiến thức cơ bản về phòng cháy và chữa cháy; cách PCCC trong sử dụng điện, xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, chợ, trung tâm thương mại; một số chất chữa cháy và bình chữa cháy thông dụng; quy trình tổ chức chữa cháy khi có cháy xảy ra của lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở và chuyên ngành; những kỹ năng cơ bản khi thoát nạn; khuyến cáo các biện pháp an toàn PCCC đối với một số loại hình tại khu dân cư.
Toàn cảnh lớp tập huấn
Sau các nội dung trao đổi, các học viên đã được viết bài kiểm tra đánh giá nhận thức về PCCC và thực hành sử dụng bình chữa cháy phun dập tắt đám cháy giả định, thực tập sử dụng máy bơm chữa cháy được trang bị, một số nội dung liên quan công tác CNCH; sơ cấp cứu nạn nhân, di chuyển nạn nhân…
Các học viên được hướng dẫn thực hành CNCH và sử dụng bình chữa cháy phun dập tắt đám cháy
Thông qua chương trình tập huấn nhằm trang bị kiến thức pháp luật về an toàn PCCC và CNCH, kỹ năng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho người đứng đầu các đơn vị, lãnh đạo UBND xã, thị trấn và lực lượng dân phòng, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Qua đó nâng cao trách nhiệm, tạo sự liên kết, phối hợp có hiệu quả giữa lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH và chính quyền địa phương, lực lượng PCCC dân phòng trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Thực hiện tốt phương chân 4 tại chỗ “Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ”. Chủ động, kịp thời xử lý các tình huống cháy, nổ, sự cố xảy ra tại địa phương./.
Phương Lộc