chi tiết tìm kiếm

Huyện Gia Lâm đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý di tích
Publish date 06/01/2025 | 17:07

Huyện Gia Lâm đang đẩy mạnh số hóa di tích, phát huy hiệu quả giá trị của di sản nhằm tích cực chuyển đổi số, thu hút khách du lịch, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.

   Căn cứ Kế hoạch số 200/KH-UBND ngày 21/7/2022 của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội, UBND huyện Gia Lâm đã và đang triển khai Dự án lắp đặt 24 bảng tin điện tử công cộng trên địa bàn, đảm bảo chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra. Đó là, đến năm 2025 cấp huyện có bảng tin điện tử cỡ lớn; mỗi xã, thị trấn có 1 bảng điện tử công cộng) phục vụ công tác tuyên truyền thông tin thiết yếu tới người dân, các nhiệm vụ chính trị của đất nước, Thủ đô, huyện.

   Huyện cũng đang triển khai Dự án nâng cấp đài truyền thanh cấp xã sang Đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin tới 100% các xã, thị trấn.

   Đáng chú ý, trong quản lý di tích, huyện Gia Lâm triển khai xây dựng 20 bảng mã QR tra cứu thông tin, ứng dụng thuyết minh tự động tại các di tích trên địa bàn huyện gắn với tuyên truyền, quảng bá phát triển du lịch. Tính đến hết năm 2024, toàn huyện đã có 125 bảng gắn mã QR.

   Theo lãnh đạo Phòng VH-TT huyện Gia Lâm, địa phương đang tích cực quảng bá sản phẩm du lịch ảnh 3600 đối với các di tích tiêu biểu và các điểm du lịch do Sở Du lịch thực hiện đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của huyện với chuyên mục “Gia Lâm - Du lịch 3600”; Tiếp tục duy trì, khai thác dữ liệu kiểm kê hiện vật, số hóa các hiện vật tại 287 di tích; dữ liệu dập, dịch văn bia và các tư liệu Hán Nôm tại các di tích;… để lưu giữ các thần sắc, thần phả thuận lợi cho tuyên truyền giới thiệu, giáo dục truyền thống và chuẩn bị dữ liệu cho công tác chuyển đổi số lĩnh vực văn hoá.

Đền Trúc Lâm tại xã Đình Xuyên đã được gắn mã QR để giúp người dân dễ dàng tìm hiểu về di tích

   Theo Kế hoạch số 294/KH-UBND của TP Hà Nội về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Thành phố đến năm 2025 và các năm tiếp theo, Thành phố yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và các đơn vị liên quan tập trung vào các nhiệm vụ: Triển khai việc lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích quốc gia đặc biệt, cụm di tích quốc gia, di tích cấp thành phố đã được xếp hạng tạo thành một quần thể phân bố trong cùng một khu vực địa lý, có mối quan hệ mật thiết về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ.

   Kế hoạch cũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chuyên môn và quản lý trong lĩnh vực bảo tàng, di tích, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu, đảm bảo 100% các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn Thành phố được số hóa và ứng dụng trên nền tảng số…

   Các sở, ngành, địa phương thực hiện tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử-văn hóa, di tích có giá trị về kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh và các di tích quốc gia, di tích cấp thành phố có giá trị tiêu biểu theo lộ trình đã được phê duyệt. Tổng số di tích cần đầu tư tu bổ, tôn tạo giai đoạn 2021-2025 là 579 dự án với tổng kinh phí 14.029 tỷ đồng.

   Những nỗ lực của huyện Gia Lâm trong công tác số hóa di tích không chỉ đẩy mạnh chuyển đổi số mà còn góp phần thu hút khách du lịch, khai thác hiệu quả di sản, di tích, phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.

Nguồn: tuoitrethudo.vn