bài viết chuyên sâu
Sau 5 năm kể từ khi đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Gia Lâm đã không ngừng nỗ lực vươn lên để phấn đấu trở thành Huyện nông thôn mới nâng cao của Thành phố Nà Nội năm 2023.
Gia Lâm là huyện ngoại thành nằm ở cửa ngõ phía Đông của thành phố Hà Nội; phía Tây giáp với quận Long Biên, Đông Anh; phía Nam giáp huyện Thanh Trì và huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên; phía Đông giáp với thị xã Thuận Thành của tỉnh Bắc Ninh; phía Bắc giáp với thành phố Từ Sơn huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh….Huyện có 22 đơn vị hành chính gồm 20 xã và 02 thị trấn với 164 thôn,TDP. Dân số trên 32 vạn người.
Trụ sở Huyện ủy - HĐND - UBND - UB.MTTQ huyện Gia Lâm
Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện là 11.664,89 ha, trong đó: Đất nông nghiệp 5.719,31 ha (49,03%); đất phi nông nghiệp 5.725,88 ha (49,09); đất chưa sử dụng 219,7 ha (1,88%). Sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, huyện được quy hoạch nằm trong vùng phát triển đô thị trung tâm mở rộng.
Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Gia Lâm đã nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao. Năm 2019, huyện Gia Lâm được Thủ tướng Chính phủ công nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018 tại Quyết định số 1180/QĐ-TTg ngày 13/9/2019.
Với quan điểm “xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc” bà kết quả đã đạt được trong công tác xây dựng NTM, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Gia Lâm cùng nhau đoàn kết, chung sức xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2020 - 2025 với mục tiêu xây dựng NTM để tiệm cận các tiêu chí phát triển đô thị.
Bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng tiêu chí
Theo Bộ tiêu chí quốc gia, huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 phải bảo đảm các yêu cầu: là huyện chuẩn nông thôn mới; có ít nhất 50% số xã đạt nông thôn mới nâng cao; tỷ lệ hài lòng của người dân trên địa bàn đối với kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao của huyện đạt từ 95% trở lên. Đặc biệt, huyện cần hoàn thành chín tiêu chí với 38 chỉ tiêu; đó là các tiêu chí: quy hoạch, giao thông, thủy lợi và phòng chống thiên tai, điện, y tế-văn hóa-giáo dục, kinh tế, môi trường, chất lượng cuộc sống, an ninh trật tự-hành chính công.
Bí thư Huyện ủy Nguyễn Việt Hà phát biểu tại Hội nghị BCH Đảng bộ huyện Gia Lâm
Để thực hiện các tiêu chí bảo đảm tiến độ, chất lượng, huyện Gia Lâm đã xác định nhiệm vụ “Xây dựng nông thôn mới”, “Xây dựng nông thôn mới nâng cao” và “Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị” là nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo chỉ đạo. Huyện thành lập Ban chỉ đạo gồm 24 thành viên, Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới Huyện; đồng thời chỉ đạo các xã thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới để triển khai đồng bộ các hoạt động từ huyến đến cơ sở; chủ động kiểm tra, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và nhất là hướng dẫn các xã xây dựng kế hoạch thực hiện theo lộ trình đề ra. Từ năm 2019 đến nay Huyện đã ban hành 130 văn bàn để lãnh dạo chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình xây dựng NTM nâng cao.
Công tác quy hoạch được xác định là tiền đề để định hướng cho việc phát triển kinh tế - xã hội hài hòa, toàn diện theo mục tiêu xác định của từng địa phương, cũng như không gian toàn huyện, cho cả hiện tại và tương lai nên Huyện đã chỉ đạo các đơn vị cùng các xã trên địa bàn tập trung thực hiện. Xây dựng hạ tầng được xác định là động lực, tiền đề cho phát triển; đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững giữa kinh tế, xã hội với ổn định môi trường sinh thái; vấn đề liên kết không gian chặt chẽ giữa đô thị và nông thôn; việc đảm bảo hài hòa giữa quá trình đô thị hóa với giữ gìn không gian, bản sắn văn hóa truyền thống; Cải tạo, nâng cấp hạ tầng nông thôn, tiêu thoát nước trong khu dân cư... Toàn huyện có 79,6/79,6 km đường huyện, đường xã kết nối được nhựa hóa, bê tông, xi măng hóa; 134,68/134,68 km đường huyện qua khu vực đô thị đáp ứng tiêu chuẩn đường đô thị, có các hạng mục cần thiết về an toàn giao thông theo quy định (biển báo, biển chỉ dẫn, chiếu sáng, gờ giảm tốc, lan can phòng hộ,...), được trồng cây xanh, được bảo trì hàng năm, đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp. Hệ thống thủy lợi đảm bảo chủ động phục vụ nhu cầu tưới tiêu đáp ứng kịp thời cho sản xuất của nhân dân. Mạng lưới điện được đầu tư hiện đại theo tiêu chí linh hoạt, thông minh, có mức độ tự động hóa cao, bán kính cấp điện giảm, tiết kiệm năng lượng. Chỉ tiêu SAID là 42,97 phút; 100% hộ dân sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất đảm bảo an toàn, tin cậy và ổn định; 100% đường ngõ xóm rộng trên 2m đều có điện chiếu sáng.
Trường học và chất lượng giáo dục đạt chuẩn theo quy định (ảnh: Trường THCS Cổ Bi)
Trường học và chất lượng giáo dục đạt chuẩn theo quy định; 76/81 trường mầm non, tiểu học, THCS công lập được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ 93,8%; đặc biệt, trên địa bàn Huyện có 04 trường THPT công lập đạt chuẩn quốc gia (03 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, 01 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2); mạng lưới trường, lớp được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường, cơ bản từng bước được chuẩn hóa và hiện đại hóa. Công tác Y tế - Văn hóa được chú trọng quan tâm. 95,04% người dân tham gia bảo hiểm y tế; có 01 bệnh viên đa khoa, 01 trung tâm y tế; 20/20 xã đạt tiêu chí quốc gia về Y tế xã. Chỉ tính trong năm 2024, huyện thực hiện triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, Sổ sức khỏe điện tử đảm bảo theo tiến độ của Thành phố, kết quả nhập dữ liệu đã đạt 99,9%. Huyện có 08/20 xã có Trung tâm Văn hóa -Thể thao cấp xã và có hoạt động diễn ra thường xuyên; 100% thôn, tổ dân phố đều có Nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, điểm vui chơi vườn hoa, sân chơi công cộng; có 300 điểm được lắp đặt các thiết bị TDTT ngoài trời đáp ứng tốt các nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của cộng đồng dân cư. Cùng với đó, huyện Gia Lâm với 320 di tích lịch sử - văn hóa và cách mạng kháng chiến và các công trình địa điểm có dấu hiệu di tích; có 163 di sản văn hóa được các cấp công nhận, tiêu biểu có di tích Đền Phù Đổng được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt, Lễ hội Gióng là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại và 04 di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia (Nghề gốm Bát Tràng, Nghề quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ, lễ hội Đình Chử Xá, lễ hội truyền thống Làng Keo)…. Các di sản văn hóa trên địa bàn đã luôn được nhân dân huyện Gia Lâm lưu giữ, bảo tồn nhằm phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, quảng bá sâu rộng trong nhân dân và du khách trong nước, quốc tế. Trong lĩnh vực phát triển Kinh tế, Gia Lâm có bước phát triển vượt bậc, Gia Lâm đã thực hiện tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất với 6 vùng chuyên canh; Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển đổi theo hướng tích cực, giảm diện tích lúa còn khoảng 1.000ha, tăng diện tích trồng hoa cây cảnh và cây ăn quả lên 2.106 ha; Diện tích rau, quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã đạt 515,7ha; duy trì diện tích sản xuất an toàn thực phẩm là 1.693,5ha; bảo hộ nhãn hiệu tập thể 12 sản phẩm. Đã triển khai ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm sử dụng mã QRCode. Chương trình Sản phẩm OCOP được huyện quan tâm triển khai: Đến hết năm 2024 tổng số sản phẩm OCOP được công nhận (còn thời hạn) là 135 sản phẩm trong đó: 05 sản phẩm đạt 5 sao, 61 sản phẩm đạt 4 sao, 69 sản phẩm đạt 3 sao. Và với mục tiêu hướng tới kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, Gia Lâm lấy phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ làm mũi nhọn. Tốc độ tăng trưởng bình quân của huyện giai đoạn 2019 - 2023 đạt 9,26%, trong đó ngành dịch vụ tăng 12,59%, công nghiệp - xây dựng tăng 7,99%, nông, lâm, thủy sản tăng 0,44%. Công tác vệ sinh môi trường và chất lượng sống khu vực nông thôn được chú trọng thực hiện, đã tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp trên địa bàn. An ninh, trật tự trên địa bàn huyện được giữ vững ổn định và nâng cao. Không xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người trái pháp luật trong nhân dân, các tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự được giải quyết và xử lý triệt để.
Đoàn thẩm định các tiêu chí NTM kiểu mẫu tại xã Đa Tốn và xã Yên Thường
Đặc biệt, huyện tập trung cao huy động nguồn lực thực hiện các tiêu chí. Tổng nguồn đâu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện giai đoạn 2012-2023 là 11.045.049 triệu đồng; trong đó, nguồn vốn đã bố trí thực hiện chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2012 đến hết năm 2023 là 8.730.002 tỷ đồng, với tổng 663 dự án đầu tư. Từ nguồn lực Trung ương, Thành phố, Huyện và huy động sức dân để ưu tiên hoàn thiện các tiêu chí nâng cao, đến hết năm 2023, toàn huyện có có 20/20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, chiếm tỷ lệ 100% và 07/20 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, chiếm tỷ lệ 35%, 02 thị trấn Yên Viên, Trâu Quỳ đạt chuẩn đô thị văn minh và huyện đánh giá đạt 9/9 tiêu chí với 38 chỉ tiêu huyện nông thôn mới nâng cao.
Tập trung mục tiêu năm 2025
Với quyết tâm chính trị cao, sự nỗ lực không ngừng , n gày 16/12/2024, huyện Gia Lâm đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận Huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023 tại Quyết định số 1574/QĐ-TTg. Đây là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực suốt nhiều năm qua của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương trong toàn Huyện. Kết quả này chính là nhờ sự vào cuộc chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân.
Bà Đặng Thị Huyền- Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm phát biểu tại hội nghị giao ban
Theo bà Đặng Thị Huyền- Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, với quyết tâm chính trị cao nhất, trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền huyện sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các nghị quyết, đề án, kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện trên quan điểm xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, là tiền đề, động lực để hiện thực hóa mục tiêu làm cho đời sống nhân dân ngày càng tốt đẹp hơn, xây dựng huyện trở thành quận văn minh, văn hiến, hiện đại và ngày càng phát triển. Để đảm bảo thống nhất nhận thức và lan tỏa sâu rộng chủ trương, quan điểm, định hướng, kế hoạch của Huyện, công tác tuyên truyền sẽ được đẩy mạnh trong cán bộ, đảng viên và cộng đồng với sự tham gia của các lực lượng, hình thức đa dạng. nhằm huy động sự vào cuộc đồng thuận của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; công tác tuyên truyền đẩy mạnh trọng tâm tuyên truyền các mô hình tốt, cách làm hay; đổi mới và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về vai trò, lợi ích thiết thực của việc xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu tiến tới xây dựng NTM thông minh, từ đó huy động tối đa sự tham gia đóng góp cả về trí tuệ, công sức và nguồn lực của người dân. Song song với đó, để “hoàn thành mục tiêu kép”, Huyện tiếp tục hoàn thiện Đề án thành lập quận và các xã thành phường, hoàn thành các tiêu chuẩn và hồ sơ đề năm 2025 đề nghị Trung ương xem xét, quyết định thành lập quận Gia Lâm.
Một góc Khu đô thị Vinhomes Ocean Park
Khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm
Kết quả đạt được về công tác xây dựng NTM trong thời gian qua giúp Gia Lâm hình thành các khu đô thị, như KĐT Vin home Ocean Park, KĐT Đặng Xá, KĐT TQ5, KĐT 31ha... Đặc biệt, nhờ xây dựng NTM với các cấp độ ngày càng cao gắn liền các tiêu chí đô thị nên hiện nay, những làng quê ở Gia Lâm hôm nay nhộn nhịp, sầm uất, văn minh, hiện đại chẳng khác nào đô thị... Những giá trị to lớn từ xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu mang lại đã kết tinh thành “quả ngọt” đền đáp xứng đáng cho sự chung sức đồng lòng, tinh thần đoàn kết, thống nhất giữa Đảng bộ, chính quyền và người dân Gia Lâm, không dừng lại ở các tiêu chí đạt được, luôn giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí nhằm tạo ra những con người mới, diện mạo mới, sức sống mới./.
Ngọc Minh