bài viết chuyên sâu

Các biện pháp phòng cháy và chữa cháy ở gia đình.
Ngày đăng 25/05/2018 | 08:27  | View count: 2012

Thời gian vừa qua, tình hình cháy nổ vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt số vụ cháy tại khu dân cư hộ gia đình chiếm phần lớn trong tổng số vụ cháy.

    Từ những vụ cháy đã xảy ra, có thể đúc kết những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến điều này:

   - Do phát hiện cháy không kịp thời: thời gian cháy tự do quá lâu dẫn đến cháy lớn.

    - Do việc chữa cháy tại chỗ ngay từ đầu không kịp thời: phát hiện đám cháy đầu tiên không thực hiện đúng các quy định, không tập trung cứu chữa hoặc không biết sử dụng các phương tiện chữa cháy, không nắm được các động tác kỹ thuật chữa cháy, thiếu dũng cảm, bình tĩnh khi chữa cháy ban đầu, thiếu nước để chữa cháy.

Các thiết bị để không ngăn nắp dễ xảy cháy lớn.

    - Cháy lớn do báo cháy chậm: không biết số điện thoại báo cháy của cơ quan phòng cháy chữa cháy dẫn đến báo cháy chậm, thời gian cháy tự do lâu gây cháy lớn.

    - Cháy lớn do tập trung quá nhiều số lượng chất gây cháy: hàng hóa hoặc đồ dùng sinh hoạt tập trung nhiều ở một chỗ dẫn đến cháy lớn và gây khó khăn cho công tác cứu chữa và di chuyển tài sản khi có sự cố cháy xảy ra.

    - Cháy lớn do không chấp hành các kiến nghị của cơ quan phòng cháy chữa cháy, trong sản xuất, sinh hoạt việc sử dụng điện còn tùy tiện, thiếu hiểu biết.

    - Cháy ở những hẻm sâu thiếu nước: không có trách nhiệm quản lý trụ nước chữa cháy.

    Để bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra, mỗi gia đình cần thực hiện những biện pháp sau đây:

    - Không tồn chứa số lượng lớn những chất nguy hiểm gây cháy, nổ trong nhà như xăng, dầu, bình gas mini; trường hợp hộ gia đình buôn bán các mặt hàng dễ cháy như quần áo, đệm, chăn... thì phải để ở những nơi cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt, bố trí sắp xếp thành lô theo từng mặt hàng, tạo khoảng cách giữa các mặt hàng và khoảng cách thoát nạn cần thiết.

Cần thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện.

    - Hệ thống điện cần phải lắp đặt, sử dụng đúng kỹ thuật, không tự ý lắp thêm các thiết bị tiêu thụ điện; lắp đặt các thiết bị bảo vệ, ngắt tự động khi có sự cố chập điện xảy ra… Không để thiết bị điện sinh nhiệt lớn bếp điện, quạt sưởi ấm… gần đồ dùng làm bằng vật liệu dễ cháy.

    - Khi sử dụng gas cần lưu ý: khóa van bình gas trước, sau đó mới khóa van bếp, tránh trường hợp chỉ khóa van bếp mà quên khóa van bình gas. Khi ngửi thấy mùi khí ngay lập tức cảnh báo cho mọi thành viên trong gia đình, tuyệt đối không bật công tắc điện, hay bất cứ dụng cụ, thiết bị nào có phát sinh tia lửa mà nhanh chóng mở tất cả các cửa để thông gió; kiểm tra cụm van, bình gas, đường ống, xác định vị trí rò rỉ bằng nước xà phòng. Cố định tạm thời vị trí rò rỉ hoặc tháo dây dẫn gas và mang bình ra nơi thoáng gió và thông báo cho nơi cung cấp gas hoặc đơn vị phòng cháy chữa cháy để xử lý.

    - Khi xảy ra cháy gas tại vị trí bếp, đường ống, cụm van điều áp hãy tìm cách khóa van bình gas, sử dụng bình chữa cháy, các vật dụng (chăn ướt, nước) để dập cháy và báo cho lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy biết theo số điện thoại 114.

Tăng cường tập huấn PCCC cho các gia đình.

    - Việc thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã vào những ngày lễ, Tết tại mỗi gia đình cần cách xa những nơi có chứa chất nguy hiểm cháy, nổ; có người canh để chống cháy lan.

Thường xuyên kiểm tra hệ thống chữa cháy.

    Ý thức trách nhiệm đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy. Nếu mỗi người dân nâng cao thêm một chút ý thức đề cao cảnh giác về cháy, nổ và thực hiện cơ bản đúng và đủ các nội dung khuyến cáo trên, sẽ góp phần tích cực và hiệu quả an toàn phòng cháy chữa cháy./.

Sưu tầm

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

bình chọn

Xin ý kiến về giao diện mới